Táo bón là gì? Cách điều trị táo bón hiệu quả

Táo bón là một trong những bệnh đường tiêu hóa hay gặp nhất. Bệnh gây khó chịu không ít cho người mắc phải và có thể là biểu hiện của một bệnh lý nguy hiểm khác. Vậy táo bón là gì? Cách điều trị táo bón hiệu quả được thực hiện như thế nào?

1. Táo bón là bệnh gì?

Chuyên gia định nghĩa: Táo bón là tình trạng đại tiện khó và khoảng cách giữa các lần đại tiện kéo dài hơn bình thường. Thông thường, nếu bạn đi đại tiện ít hơn 3 lần/ tuần, bạn có khả năng đã mắc táo bón. Táo bón thường tự hết nếu bạn thay đổi ăn uống và lối sống. Bệnh này nếu không điều trị để chuyển sang mạn tính thì rất dễ dẫn đến biến chứng trĩ.

Mọi loại thức ăn, nước uống sau khi được nhào trộn ở dạ dày cùng với dịch vị chúng được đưa xuống ruột. Đa phần sẽ được hấp thu ở ruột non. Phần còn lại và các chất cặn bã sẽ ồn xuống đại tràng. Tại đại tràng, nước và số còn lại của chất dinh dưỡng sẽ được tiếp tục hấp thu. Đồng thời các chất cặn bã, chất độc do vi sinh vật và quá trình chuyển hóa sinh ra sẽ được đào thải ra ngoài. Nếu tập hợp những chất này bị lưu lại quá lâu trong đại tràng, nước sẽ bị lấy đi càng nhiều làm phân càng rắn và càng khó tống ra ngoài.

2. Triệu chứng thường gặp khi táo bón

– Không khó để nhận ra mình mắc táo bón, đặc biệt là khi bạn có những triệu chứng sau đây:

– Số lần đại tiện giảm: ít hơn 3 lần/tuần.

– Phân rắn chắc: Phân thường vón cục, có màu đen, trọng lượng nhỏ.

– Đại tiện khó khăn: Mỗi lần đi ngoài thường kéo dài và phải dùng sức rặn mới có thể đẩy phân ra được. Sau đi vẫn còn cảm giác phân trong bụng.

– Đi ngoài ra máu: bạn có thể cảm thấy đau rát khó chịu khi đi cầu. Đôi khi bật cả máu tươi do hậu môn bị rách, sa hậu môn.

– Triệu chứng khác về đường tiêu hóa: đầy hơi, trướng bụng, phình to…vv. Chức năng tiêu hóa cũng bị giảm sút nghiêm trọng.

3. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Dù là một triệu chứng phổ biến, nhưng bạn nên gặp bác sĩ nếu:

– Táo bón kéo dài hơn ba tuần. Đây đó có thể là dấu hiệu cho các bệnh khác như polyp đại tràng, u đại tràng…

– Đi ngoài kèm phân có máu, hoặc chảy máu sau đại tiện.

– Táo bón kèm theo đau bụng nghiêm trọng.

– Táo bón kèm theo sụt cân nhanh.

4. Nguyên nhân gây táo bón

4.1 Nguyên nhân ăn uống

Ăn không đủ chất xơ trong chế độ ăn.

Uống không đủ lượng nước cần thiết.

Ăn kiêng khem quá mức hoặc chán ăn. Ăn ít nên chất cặn bã ít, phân ít cho nên không tạo được phản xạ co bóp của đại tràng

Ăn những loại thực phẩm dễ gây táo bón.

4.2 Lối sống thiếu khoa học

Lười đi lại vận động hay thói quen công việc phải ngồi nhiều trong một thời gian dài.

Thói quen ngại đi tiêu, nhịn đi tiêu. Nếu như bạn có nhu cầu đi tiêu mà thời điểm không thuận tiện, có nghĩa là bạn nhịn tiêu để chờ một dịp khác thì phân tồn đọng trong trực tràng bị thẩm thấu hết nước trở nên khô và cứng

Căng thẳng phiền muộn làm táo bón trầm trọng hơn. Căng thẳng có thể khiến não bộ không thể truyền đạt thông tin đến hệ tiêu hóa để loại bỏ chất thải, gây táo bón.

4.3 Do một số bệnh lý

Polyp đại tràng, u đại tràng, viêm đại tràng, rối loạn chức năng sàn chậu, tăng can xi máu, đái tháo đường, suy giáp…vv cũng gây ra táo bón

4.4 Do tác dụng phụ khi dùng một số thuốc

Lạm dụng thuốc nhuận tràng, dùng các thuốc chống trầm cảm(anticholinergic), thuốc giảm đau opioid (codein, morphin, pethidin), thuốc hạ áp nhóm chẹn kênh canxi, uống quá nhiều viên sắt…vv cũng có thể gây táo bón

5. Những ai thường mắc phải táo bón?

Táo bón là bệnh phổ biến có thể xảy ra ở mọi người bất kể tuổi tác hay giới tính. Tuy vậy, một số đối tượng dễ mắc phải chứng táo bón nhất là:

– Người già.

– Người béo phì.

– Phụ nữ mang thai.

– Những người ngồi nhiều, ít vận động.

6. Cách điều trị táo bón hiệu quả

Dù táo bón do nguyên nhân gì thì đại đa số bệnh nhân có tình trạng táo bón được cải thiện khi thực hiện thay đổi ăn uống và lối sống.

Ăn rau khoai lang điều trị táo bón hiệu quả

6.1 Điều chỉnh ăn uống

Nên ăn nhiều các thức ăn chứa nhiều chất xơ. Ví dụ các loại rau như rau khoai lang, rau mồng tơi, rau muống, rau dền, rau đay…vv. Ăn nhiều một số củ quả như củ khoai lang, chuối chín, đu đủ chín, dưa chuột, mướp, mướp đắng, cam, quýt, bưởi, các loại măng… Chất xơ trong thực phẩm làm khối lượng phân tăng lên đáng kể. Điều này sẽ kích thích vận động đường ruột, đồng thời lại có thể giữ nước trong phân, tránh làm phân quá khô.

Uống nhiều nước ít nhất trên 2 lít một ngày. Việc uống nước sẽ giúp làm mềm phân và giảm bớt ma sát giữa niêm mạc ống tiêu hóa với khối phân khi phân di chuyển theo chiều nhu động ruột và trọng lực

6.2 Điều chỉnh lối sống

Tập thói quen đi đại tiện đều đặn một lần mỗi ngày vào một thời điểm nhất định. Tốt nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Thời gian đầu tập luyện, khi đến giờ được chọn, dù bạn có buồn hay không thì vẫn cứ chủ động ra nhà tiêu ngồi và cố gắng đi vệ sinh. Sau một thời gian kiên trì, bạn sẽ tạo được thói quen tốt này. Đều đặn được tống ra ngoài, phân sẽ không bị hút kiệt nước, chúng sẽ mềm và dễ đi hơn. Mỗi lần đi ngoài sẽ không còn là cơn “ác mộng”. Điều này đặc biệt ý nghĩa với những người bị trĩ kèm theo.

Ta nên thường xuyên đi lại, vận động cơ thể, tập thể dục và hạn chế thời gian ngồi quá lâu trong ngày.

Khi đã có cảm giác mót rặn muốn đi đại tiện, dù bất cứ nguyên nhân nào, cũng không nên nhịn. Thường thì sự trì hoãn này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên lượng phân nằm lại trong ruột sẽ tiếp tục bị hút nước. Sau đó phân trở nên khô cứng làm cho việc tống xuất trở nên khó khăn hơn.

6.3 Dùng thuốc

Trường hợp táo bón nặng, lâu ngày dai dẳng bác sĩ có thể dùng thêm một số loại thuốc:

– Thuốc xơ thực vật và và tạo khối: Bột tinh chế, Psyllium, Metylcellulose, Polycarlophyl…

– Thuốc thẩm thấu:

  • Thuốc thẩm thấu đường: lactulose, glycerin, sorbitol…vv
  • Thuốc thẩm thấu muối: hỗn hợp muối magnesium, natri biphosphate, natri phosphate…vv

– Thuốc làm mềm phân bề mặt: docusate, poloxamer,…

– Thuốc gây kích thích: bisacodyl (Dulcolax), senna (Sennokot), Cascara sagrada, Dầu castor (dầu hải ly),…

– Thuốc bôi trơn: dầu khoáng…vv

6.4 Tìm và điều trị các vấn đề sức khỏe khác

Trường hợp táo bón chỉ là hệ quả của các vấn đề sức khỏe khác, ta cần phải tìm và giải quyết cả các vấn đề sức khỏe liên quan này.

Táo bón do bệnh lý:

Cần chẩn đoán đúng và xử trí các bệnh có thể gây táo bón như polyp đại tràng, u đại tràng, viêm đại tràng, rối loạn chức năng sàn chậu, tăng can xi máu, đái tháo đường, suy giáp…vv

Táo bón do dung thuốc:

Hạn chế lạm dụng thuốc nhuân tràng, viên sắt. Trao đổi kỹ với bác sĩ về vấn đề dùng các thuốc chống trầm cảm (anticholinergic), thuốc giảm đau opioid ( codein, morphin, pethidin), thuốc hạ áp nhóm chẹn kênh canxi…vv

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan