Các loại chỉ phẫu thuật khâu vết thương

Chỉ khâu vết thương được các bác sĩ ngoại khoa sử dụng để đóng các vết thương hở trên da hoặc các loại mô khác. Khi khâu vết thương, người ta sử dụng cây kim được gắn vào đầu chỉ để khâu. Hiện có rất nhiều loại vật liệu đa dạng được sử dụng trong khâu vết thương. Tùy thuộc vào tình trạng vết thương và loại phẫu thuật mà bác sĩ sẽ chọn loại chỉ khâu có chất liệu và đường kính phù hợp.

1. Phân loại chỉ khâu vết thương

Chỉ khâu vết thương được phân loại theo nhiều phương pháp. Đầu tiên, vật liệu của chỉ khâu được phân loại như chỉ tiêu và chỉ không tiêu. 
– Chỉ tiêu không cần cắt chỉ, các enzyme trong mô của cơ thể sẽ tự phân huỷ sợi chỉ. 
– Chỉ không tiêu cần phải được lấy ra khỏi cơ thể sau vài ngày, nhưng cũng có một số trường hợp, chỉ không tiêu sẽ được lưu lại vĩnh viễn.
Phương pháp thứ hai là chất liệu của chỉ khâu được phân loại theo cấu trúc thực tế của vật liệu. 
– Chỉ khâu có cấu trúc sợi đơn – monofilament là chỉ khâu có cấu tạo dải đơn với ưu điểm dễ dàng khâu qua các mô, ngoài ra loại chỉ này do ở dạng sợi đơn nên không chứa các sinh vật gây nhiễm trùng.
– Chỉ khâu có cấu trúc sợi bện – braided: đây là cấu trúc dạng bện được tạo ra từ nhiều sợi monofilament nhỏ đan lại với nhau, với ưu điểm dễ dàng xử lý buộc hơn monofilament, có tính uốn và bền hơn monofilament. Nhược điểm của loại chỉ này có xu hướng hấp thụ các chất lỏng, dẫn đến dễ nhiễm trùng.
Phương pháp thứ ba là phân loại dựa trên vật liệu tự nhiên hoặc tổng hợp. Tuy nhiên, vì tất cả các vật liệu khâu đều được khử trùng, sự khác biệt này không đặc trưng.

2. Chỉ phẫu thuật tự tiêu và không tiêu

Các loại chỉ phẫu thuật tự tiêu:

– Chỉ gut.

– Chỉ Polydioxanone (PDS).

– Chỉ Poliglecaprone (MONOCRYL).

– Chỉ Polyglactin (Vicryl).

 

Các loại chỉ phẫu thuật không tiêu:

– Chỉ Nylon.

– Chỉ Polypropylene (Prolene).

– Chỉ lụa Silk.

– Chỉ Polyester (Ethibond).

Thông tin chi tiết về đặc tính của từng loại chỉ, ưu nhược điểm, thời gian tự tiêu trong bao lâu, mời các bạn xem thêm bài viết: Các loại chỉ phẫu thuật tự tiêu và không tiêu

3. Phương pháp khâu và loại chỉ tương ứng

Chỉ khâu được phân loại theo đường kính của sợi chỉ. Hệ thống phân loại sử dụng chữ cái O trước một số để chỉ đường kính vật liệu. Số càng cao, đường kính của sợi khâu càng nhỏ. Chỉ khâu được nối với một cây kim, kim này có nhiều hình dạng khác nhau, có hoặc không có cạnh cắt. Kim lớn hơn có thể đóng nhiều mô hơn với mỗi mũi khâu trong khi kim nhỏ hơn có khả năng giảm hình thành sẹo tốt hơn. Sự đa dạng của các loại chỉ khâu nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khâu cũng như vị trí cần khâu.
Các kĩ thuật khâu phổ biến gồm:

Mũi khâu liên tục

Kỹ thuật này bao gồm một loạt các mũi khâu sử dụng một sợi chỉ duy nhất khâu. Mũi khâu được đặt nhanh và mạnh, vì sức căng được phân phối đều trong suốt chuỗi khâu liên tục.

Mũi khâu rời

Kỹ thuật này sử dụng nhiều sợi chỉ khâu để đóng vết thương. Sau khi một mũi khâu được đặt, chỉ được thắt nút và cắt. Kỹ thuật này cho phép vết thương được đóng kín một cách an toàn, vì nếu một trong các mũi khâu bị bục ra, các mũi khâu còn lại vẫn giữ hai mép vết thương khít lại với nhau.

Khâu trong da (nút chỉ được lộn xuống dưới – buried)

Kỹ thuật khâu này được áp dụng sao cho nút thắt của chỉ nằm bên trong (bên dưới hoặc nằm trong vùng được khâu đóng). Kỹ thuật này thường không cần cắt chỉ và rất hữu dụng cho các đường khâu lớn nằm sâu trong cơ thể.

Khâu hình túi

Kỹ thuật khâu liên tục này đặt mũi khâu quanh một phần và thắt chặt như dây rút trên túi. Kỹ thuật này được sử dụng cho phẫu thuật ruột nhằm giữ vị trí cho dụng cụ ghim cắt tự động (intestinal stapling device).

Khâu dưới da

Trong kĩ thuật này, mũi khâu được đặt ở lớp hạ bì. Các mũi khâu ngắn được đặt trong một đường thẳng song song với vết thương của bạn. Các mũi khâu sau đó được neo ở hai đầu của vết thương.
 
Tuỳ thuộc vào từng loại vết thương và loại chỉ cũng như loại chỉ được sử dụng, mà thời gian cắt chỉ có khác biệt. Các bác sĩ ngoại khoa sẽ thông báo thời gian tái khám và cắt chỉ cho người bệnh sau khi hoàn thành khâu đóng vết thương.

4. Thời gian cắt chỉ vết thương khâu

Thời gian khuyến cáo cắt chỉ tương ứng với các vị trí được khâu, tuy nhiên, thời gian cắt chỉ còn tuỳ thuộc vào tình trạng vết thương cũng như các yếu tố khác như nguy cơ nhiễm trùng.
Để biết chính xác thời gian cắt chỉ ứng với từng vị trí khâu vết thương, mời các bạn xem thêm bài viết: Vết thương đã khâu sau mấy ngày có thể cắt chỉ được?
Đầu tiên, trước khi cắt chỉ, bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ làm sạch vị trí khâu. Sau đó, đầu nút của mũi khâu được nhấc lên nhẹ nhàng càng gần da nhất có thể và cắt đi, các đường chỉ còn lại sẽ được rút ra.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan