NHỮNG CHIẾN SỸ THẦM LẶNG
Vậy là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã trải qua một chặng đường dài đầy gian nan vất vả, mỗi ngày qua đi là mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách và nguy nan, đi với nó có cả những mất mát đau thương. Bên cạnh những y bác sĩ, điều dưỡng đang ngày đêm làm việc tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến điều trị cứu chữa cho các bệnh nhân COVID-19, còn có những y bác sỹ trực tiếp làm công tác xét nghiệm, cán bộ y tế tuyến cơ sở làm điều tra dịch tễ, họ đi đến từng nhà để điều tra dịch tễ lấy mẫu xét nghiệm. Nhiệm vụ mang tính cấp thiết nên không thể chủ động theo giờ, có công dân từ vùng dịch về hoặc vùng được cho là nguy cơ, anh chị em lại lên đường, không kể sớm, trưa, đêm, ngày. Những cán bộ làm công tác điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày luôn phải đối mặt với nguy hiểm và xác định rằng có những nguy hiểm không thể lường hết được. Có hôm chị em đội trời nắng nóng tưởng chừng như ngạt thở, có ngày lại phải gạt những cơn mưa như trút để điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho công dân ngay tại gia đình, mọi việc luôn diễn ra trong tư thế khẩn trương.
Để kết quả xét nghiệm có độ chính xác cao, yêu cầu phải chặt chẽ tất cả các khâu, chỉ cần lơ là một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác dù chỉ là một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm cũng sẽ làm sai lệch kết quả, rất nguy hiểm, ảnh hướng trực tiếp đến tâm lý bệnh nhân, sự hoang mang trong cộng đồng và ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 của huyện. Chính vì công tác xét nghiệm có tầm quan trọng và là vai trò then chốt trong việc chẩn đoán xác định và triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, khống chế dịch bệnh, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Nhận thấy rõ tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện, lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Yên Lạc đã cho triển khai nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn thể cán bộ làm công tác lấy mẫu xét nghiệm của Trung tâm y tế huyện và tuyến cơ sở ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Đến nay 100% cán bộ được tập huấn đã được cấp chứng chỉ, thực hiện thao tác một cách nhuần nhuyễn, đủ điều kiện làm công tác lấy mẫu xét nghiệm và sẵn sàng nhận lệnh điều động cho mọi tình huống. Có những lần dịch căng thẳng khi phát hiện ca F0 tại cộng đồng, đích thân chị Phạm Thị Kim Dung CK1 xét nghiệm, trưởng khoa xét nghiệm – giải phẫu bệnh, Trung tâm y tế huyện Yên Lạc phải đích thân dẫn anh chị em đi xuyên màn đêm xuống tại thôn xóm, lấy mẫu cho toàn bộ công dân và phân loại các F ngay tại địa phương vì sự an toàn của cộng đồng. Lúc bắt tay vào công việc với mục tiêu phải hoàn thành xong và có kết quả sớm nhất có thể, nhìn nét mặt lo lắng của người dân mà anh chị em quên đi cái mệt và những cơn khát, khi phải ủ mình trong bộ bảo hộ kín như bưng, mồ hôi vã ra từ tấm áo ấy ướt đầm mà tự nhủ mình phải cố gắng.
Công việc cứ như vậy diễn ra có hôm từ 20h tối hôm trước đến hơn 1 giờ sáng hôm sau, trời càng về khuya, thời tiết dịu hơn không còn cái nóng oi bức cuối hè như ban chiều nữa, nhưng thay vào đó cảm giác mà ai cũng cảm nhận được, đó là rờn rợn lạnh mỗi khí có làn gió nhẹ đi qua, đôi chân như muốn khụy xuống vì phải đứng quá lâu, đôi tay mỏi cứng, đôi mắt mờ đi một phần vì mồ hôi phần vì mệt mỏi và thiếu ngủ. Gần 2 giờ sáng sau khi hoàn tất việc lấy mẫu cho công dân và chuyển mẫu bệnh phẩm đưa về Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Vĩnh Phúc, nhìn những đôi bàn tay nhăn nheo, bong nợt, ngọng nghịu cầm chai nước để thỏa mãn cơn khát đến khô cháy nhiều giờ. Cái mệt đã bắt đầu ngấm sâu, những đôi mắt lờ đờ nhìn nhau như tỏ ý trao nhau sự yêu thương và hy vọng. Chị Phạm Thị Kim Dung với vai trò người thuyền trưởng đã nhanh ý khuấy động tinh thần anh chị em, chị nói với mọi người “ Chị em mình vất vả vì dân, được cống hiến như thế này có mệt cỡ nào cũng thấy vinh dự các em ạ, Mệt cũng phải chụp với vài kiểu nay mai chiến thắng còn có kỷ niệm những ngày không quên này chứ”. Vậy là xua đi cái mệt anh chị em lại tung mình tạo dáng dưới ánh đèn đường khi mà trời đã chuyển sang canh. Chị nói với tôi “ Ngành y chúng mình cái mệt chỉ được thoáng đi qua, không được phép tồn tại” và tôi thấy đúng”.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng những chàng trai, cô gái ngành y chúng tôi chưa khi nào đánh mất nụ cười rạng rỡ đầy niềm tin, vì phía sau anh chị em vẫn luôn là sự cảm thông, động viên, chia sẻ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả cộng đồng, đặc biệt là sự thấu hiểu, quan tâm của các cấp lãnh đạo. Có lẽ nhờ vậy mà mỗi khi áp lực công việc đè nặng với ngành y chúng tôi nói chung đặc biệt là anh chị em làm công tác điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, đã không còn trở nên quá mệt mỏi và phía sau những lớp khẩu trang in hằn trên khuôn mặt, luôn là những nụ cười hạnh phúc, là lòng nhiệt huyết, sự tận tâm của nhữngchiến sỹ áo trắng với công việc mình đã lựa chọn. Viết về các đồng đội Blouse trắng của mình, tôi chợt nhớ một câu trong bài hát “ Tự Nguyện” của nhạc sỹ Trương Quốc Khánh.
Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là mây tôi sẽ là một vầng mây ấm
Là người tôi sẽ chết cho quê hương
Những chiến sỹ Blouse trắng, những người làm công tác điều tra dịch tễ và xét nghiệm, thực sự là những người chiến sỹ thầm lặng, luôn có mặt từng phút giây trong cuộc chiến gian nan này.
Bài: Nguyễn Thị Bình
TTYT huyện Yên Lạc- tỉnh Vĩnh Phúc