Cảm cúm là gì? Cách điều trị và phòng tránh cảm cúm
Cảm cúm lá một trong những bệnh hay gặp nhất. Hầu như ai cũng sẽ mắc cảm cúm nhiều lần trong đời. Vậy cảm cúm là gì? Cách điều trị và phòng tránh bệnh hiệu quả.
1. Cảm cúm là gì?
Bệnh cảm cúm, hay thường gọi là bệnh ‘cúm’ – là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh bắt đầu đột ngột và thường kéo dài 7 đến 10 ngày. Hầu hết mọi người đều bình phục hoàn toàn. Tuy nhiên đối với người già, trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu, cúm có thể chuyển biến nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong do các biến chứng.
Hiện nay các loại virus cúm nguy hiểm, có khả năng lây lan rộng, đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn như H5N1, H1N1, H7N9… Đây là loại bệnh có khả năng lây nhiễm cao và lây lan từ người này sang người khác qua việc dùng chung đồ uống, dao kéo, tiếp xúc trực tiếp, ho hay chảy nước mũi.
2. Các triệu chứng của cảm cúm
Một số triệu chứng cơ bản của cảm cúm:
– Sốt
– Đau đầu
– Đau xương khớp và các cơ
– Ho khan
– Rát họng
– Đôi khi có chảy nước mũi
3. Phân biệt các triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh và dị ứng
Các triệu chứng | Cảm cúm | Cảm lạnh | Dị ứng |
Sốt | Phổ biến | Hiếm | Đôi khi |
Ho khan | Phổ biến | Vừa phải | Đôi khi |
Khó thở | Không | Không | Phổ biến |
Đau đầu | Phổ biến | Hiếm | Không |
Đau nhức khó chịu trong cơ thể | Phổ biến | Phổ biến | Không |
Đau họng | Phổ biến | Phổ biến | Không |
Mệt mỏi | Phổ biến | Đôi khi | Đôi khi |
Tiêu chảy | Đôi khi | Không | Không |
Sổ mũi | Đôi khi | Phổ biến | Phổ biến |
Hắt hơi | Không | Phổ biến | Phổ biến |
>> Xem thêm: Cách phân biệt cảm cúm thông thường và nhiễm Covid-19?
4. Cách điều trị cảm cúm
Thông thường, chỉ cần nghỉ ngơi và uống đủ 2-3 lít nước/ngày là có thể khỏi bệnh.
Ta có thể dùng các loại thuốc cảm cúm giúp làm giảm các triệu chứng như paracetamol, ibuprofen, thuốc giảm ho, thuốc thông mũi…vv
Nên súc miệng bằng nước muối ấm hay nước súc miệng chuyên dụng có thể làm giảm đau họng.
5. Khi nào cần phải gặp bác sĩ?
Hầu hết những người bị cúm có thể tự điều trị ở nhà và không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên, ta nên đến gặp bác sĩ ngay nếu nghi ngờ mình mắc các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… hay có các triệu chứng cúm trở nặng và có nguy cơ bị biến chứng như:
– Sốt cao hơn hoặc ho nặng hơn, đau rát họng nhiều, đau đầu đau cơ nhiều
– Thở gấp hoặc đau ngực, ho ra đờm có máu, đau cổ hoặc cứng cổ.
Tùy tình trạng bệnh, các bác sĩ có thể dùng các thuốc như kháng sinh, kháng virus, chống viêm, giảm đau, truyền dịch…vv
6. Lời khuyên phòng tránh cảm cúm
Thói quen vệ sinh – Đánh bại vi khuẩn!
Nếu ngăn chặn được các vi trùng, thì bênh cúm cũng sẽ được đẩy lùi. Chúng ta có thể chặn đứng sự lây lan của vi trùng và bệnh cúm bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc gel diệt khuẩn, dùng khăn giấy để che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, vứt tất cả khăn giấy sau khi sử dụng xong.
Dinh dưỡng – Tăng cường hệ miễn dịch
Có thể tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể để chống lại bệnh cúm bằng nhiều cách:
– Uống nhiều nước, ít nhất từ 2 đến 3 lít mỗi ngày;
– Ăn nhiều các rau củ quả giàu vitamin C như ổi, cam, dâu tây, kiwi, đu đủ, súp lơ…
– Tập thể dục thể thao thường xuyên.
Tiêm chủng
Vắc xin cúm đang được phát triển liên tục để thích ứng với hầu hết các chủng cúm thường gặp. Vì thế ta nên tiêm vắc xin phòng chống hàng năm, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi.
7. Câu hỏi thường gặp
– Năm nay tôi đã bị cúm rồi, vậy tôi có thể mắc lại cúm nữa không…???
Vẫn có thể măc lại. Hệ miễn dịch của chúng ta sẽ bảo vệ được cơ thể khỏi chủng cúm đã mắc nhưng ta vẫn có thể bị một chủng cúm khác tấn công và mắc bệnh lại.
– Tôi không nên tiêm vắc xin phòng chống cúm vì tôi đang mang thai…???
Bạn vẫn nên tiêm vắc xin dù đang mang thai. Không chỉ con bạn cần được bảo vệ khỏi virus, mà con bạn cũng cần được mạnh khoẻ. Vì thế bạn đừng nên để ốm sốt trong thời kì này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân