TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI

Bà con nhân dân và các bạn thân mến! Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Vắc xin giúp người được tiêm có thể phòng được bệnh, giảm nguy cơ diễn biến nặng và tử vong khi mắc bệnh. Vắc xin phòng COVID 19 cho trẻ em, người lớn đều đảm bảo an toàn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Tiêm  vắc xin phòng COVID-19 có thể gây ra một số biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân như: sưng, đau chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau cơ, hoặc  phản ứng nặng sau tiêm chủng, tuy nhiên tỷ lệ phản ứng nặng là rất thấp, ngược lại lợi ích do tiêm vắc xin cao hơn nhiều so với rủi ro nếu mắc bệnh mà không tiêm vắc xin phòng bệnh.

Khi trẻ có triệu chứng bất thường về sức khỏe, người được tiêm chủng hay cha mẹ hoặc người giám hộ cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-dưới 12 tuổi, các bậc phụ huynh nên:

– Giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của tiêm vaccine COVID-19.

– Nên cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ sớm trước ngày tiêm.

– Cho trẻ ăn nhẹ trước tiêm, không để trẻ bị đói khi đi tiêm.- Có thể cho trẻ ăn hoa quả, uống đủ nước (sữa hoặc nước trái cây, nước dừa…).- Có thể cho trẻ uống vitamin C trước tiêm.

– Cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát.

– Không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vaccine khác. Nên mang theo sổ tiêm chủng của trẻ.

– Không nên dừng các thuốc trị bệnh mà trẻ đang uống.

– Ghi nhớ các loại thuốc trẻ đang dùng.

– Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của điểm tiêm.

– Khai báo y tế trước khi đến điểm tiêm theo quy định.

– Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng lịch đã được đăng ký.

– Thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, luôn đeo khẩu trang, rửa tay sạch, giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đầy đủ các quy định tại điểm tiêm.

Sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-dưới 12 tuổi, các bậc phụ huynhcần: cùng trẻ theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu:

  1. Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
  2. Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Khi trẻ có những biểu hiện mệt bất thường, nôn, tiêu chảy, tím tái, khó thở, phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái, sốt cao liên tục trên 38,5 độ và không đáp ứng thuốc hạ sốt, cha mẹ cần liên hệ cơ sở y tế ngay.

Lưu ý trong 3 ngày đầu sau tiêm, luôn có người hỗ trợ trẻ 24/24 giờ, tránh vận động mạnh và bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

Tích cực, chủ động cho con em trong độ tuổi đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch COVID- 19.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc.

Tin liên quan