Tiêm vắc xin Covid – 19 cho các nhóm đối tượng

        Theo kế hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai tiêm vắc – xin phòng Covid cho nhóm đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch đợt 1 năm 2021.

          Vắc xin phòng Covid-19 đợt này là vắc xin của Tập đoàn AstraZeneca nghiên cứu và phát triển, là loại vắc – xin đã được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, hiện đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

          Đợt tiêm vắc – xin lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu chủ động, phòng chống dịch Covid- 19 hiệu quả, góp phần  bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân trên cả nước.

          Cũng như tất cả các loại vắc – xin khác khi sử dụng có một tỷ lệ nhất định có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn. Các phản ứng thông thường  có thể gặp sau tiêm gồm: phản ứng phổ biến là đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt… và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy để đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế.

          Vắc-xin phòng covid-19 khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng phản vệ (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1 đến 2 ngày đầu sau tiêm). Vì vậy tại các điểm tiêm chủng bố trí hộp chống sốc, phương tiện cấp cứu, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát tình hình sức khỏe của các đối tượng được tiêm.

          Để phục vụ công tác khám sàng lọc trước tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin về tiền sử bệnh tật, tiền sử phản ứng, dị ứng cho nhân viên y tế để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn.

          Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm ít nhất 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, giám sát các phản ứng sau tiêm. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy bất thường xảy ra với cơ thể.

          Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất trong vòng 24h đầu và đến 7 ngày đầu tiêm chủng. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được sử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ cao gồm: sốt cao trên 390­­­C;  co giật, phát ban, chóng mặt, đau đầu, ớn lạnh, đau bụng, tiêu chảy, khò khè, khó thở… hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y  tế để được thăm khám và điều trị.

          Phiếu xác nhận tiêm chủng cần được lưu trữ cẩn thận và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiêm tiếp theo.

          Mọi thông tin về sức khỏe sau tiêm cần cung cấp cho cán bộ y tế, để công tác theo dõi phản ứng sau tiêm đánh giá đúng về đặc điểm của vaccxin cũng như góp phần giúp ngành y tế kịp thời có những điều chỉnh cần thiết liên quan đến vaccxin và tiêm chủng.

          Người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch Covid-19. Đó là: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế.

          Tiêm vaccxin phòng Covid-19 là biện pháp hữu hiệu giúp cuộc sống của chúng ta trở lại bình thường.

Tin liên quan