Suy thận mạn: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Suy thận mạn là một bệnh lý nghiêm trọng. Triệu chứng giai đoạn đầu có thể mơ hồ, khó phát hiện, gây chậm trễ trong việc nhận biết và chữa trị đồng thời dễ dẫn đến nguy cơ tử vong. Vậy suy thận mạn là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị suy thận mạn.

1. Suy thận mạn tính là gì?

Suy thận mạn tính hay còn gọi là bệnh thận mạn tính, là tình trạng suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường khi thận không thể loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này khiến các chất thải tồn đọng, gây hại cho người bệnh.

Suy thận mạn: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Suy thận mạn là một bệnh diễn biến từ từ qua 4 giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng bệnh ở giai đoạn sớm rất kín đáo, dễ bị bỏ qua. Khi đã có biểu hiện lâm sàng thì bệnh đã ở giai đoạn cuối rất khó xử lý và tốn kém. Bệnh lúc này trở thành vấn đề nan giải cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

2. Nguyên nhân gây suy thận mạn

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây nên suy thận mạn. Các nguyên nhân này có thể chia làm 5 nhóm chính:

Bệnh lý cầu thận mạn tính

Viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, bệnh thận do đái tháo đường, viêm cầu thận Lupus, viêm mao mạch dị ứng ( Sholein – Henoch)…

Bệnh lý ống – kẽ thận mạn tính

Sỏi tiết niêu có biến chứng ( sỏi thận, sỏi niệu quản ), Viêm thận – bể thận mạn tính, Nhiễm độc thận do thuốc giảm đau, thủy ngân, muối vàng, Bệnh thận do rối loạn chuyển hóa acid uric, rối loạn chuyển hóa canxi.

Bệnh lý mạch máu thận

Xơ hóa quanh thận do tăng huyết áp, huyết khối vi mạch thận, tắc tĩnh mạch thận.

Bệnh lý thận di truyền

Bệnh thận đa nang, bệnh thận do thai nghén, teo thận một bên, hội chứng alport.

Do nguyên nhân không rõ ràng

3. Triệu chứng lâm sàng của suy thận mạn

Trong giai đoạn đầu của suy thận mạn các biểu hiện lâm sàng nghèo nàn dễ bị bỏ qua. Điều này làm cho bệnh tiến triển âm thầm mà bệnh nhân không biết.

Đến giai đoạn muộn, triệu chứng lâm sàng mới biểu hiện rõ với một số dấu hiệu sau:

Phù: triệu chứng phù phụ thuộc vào nguyên nhân gây suy thận:

– Suy thận do nguyên nhân bệnh lý cầu thận thường có phù, thậm chí phù to.

– Suy thận do nguyên nhân bệnh lý ở kẽ – ống thận thường không phù và bệnh nhân có đái nhiều về đêm.

Thiếu máu: Biểu hiện da xanh sao, người mệt mỏi, khó thở. Khi suy thận càng giai đoạn sau thì thiếu máu càng nặng nề.

Tăng huyết áp: Khoảng 80% bệnh nhân suy thận có tăng huyết áp.

Suy tim: Xuất hiện ở giai đoạn sau cùng của suy thận.

Rối loạn tiêu hóa: Trong giai đoạn sớm thường là chán ăn. Ở suy thận giai đoạn III trở đi thì có buồn nôn, ỉa chảy, có khi xuất huyết tiêu hóa.

Xuất huyết: Chảy máu mũi, chân răng, dưới da là thường gặp. Xuất huyết tiêu hóa nếu có thì rất nặng làm Urê máu, Kali máu tăng lên nhanh.

Ngứa: do lắng đọng canxi dưới da.

Chuột rút thường về đêm: do rối loạn canxi máu.

Hạ thân nhiệt.

Viêm thân kinh ngoại vi: cảm giác như kiến bò, bỏng rát ở chân.

Hội chứng tăng ure huyết: Đây là biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn cuối cùng của suy thận mạn. Bệnh nhân có thể có co giật, rối loạn tâm thần rồi đi vào hôn mê.

4. Chẩn đoán suy thận mạn

Suy thận ở giai đoạn đầu, bệnh nhân không hề có triệu chứng gì hoặc triệu chứng rất mờ nhạt. Do đó để chẩn đoán có bị suy thận hay không, mức độ suy thận ở giai đoạn nào thì ta dựa hoàn toàn vào xét nghiệm máu.

Ba chỉ số khi xét nghiệm để đánh giá chức năng thận có bị suy hay không đó là: Ure máu, Creatinin máu và Mức lọc cầu thận.

– Ure máu trị số bình thường từ 2,5 – 7,5 mmol/l. Khi suy thận ure sẽ tăng cao.

– Creatinin máu ở mức bình thường đối với nam là từ 62-120 micromol/l và nữ là từ 53-100 micromol/l. Khi bị suy thận chỉ số creatinin cũng tăng cao.

– Mức lọc cầu thận được tính từ Creatinin máu theo công thức:

Suy thận mạn: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Đơn vị của mức lọc cầu thận là ml/phút

Mức lọc cầu thận bình thường là trên 120 ml/phút. Mức lọc cầu thận giảm là biểu hiện của suy thận. Khi suy thận càng nặng, mức lọc cầu thận càng thấp.

5. Chẩn đoán giai đoạn của suy thận

Dựa vào Mức lọc cầu thận và Creatinin máu người ta chia suy thận làm 4 giai đoạn (4 độ suy thận):

Giai đoạn suy thận Mức lọc cầu thận (ml/phút) Creatinin máu (micromol/l) Lâm sàng
Bình thường 61-120 70-106 Bình thường
Giai đoạn I 41-61 <130 Gần như bình thường
Giai đoạn II 21-40 130-299 Thiếu máu nhẹ
Giai đoạn IIIa 11-20 300-499 Chán ăn, thiếu máu vừa
Giai đoạn IIIb 5-10 500-900 Chán ăn, thiếu máu nặng
Giai đoạn IV <5 >900 Thêm hội chứng Ure máu cao
Bảng phân loại giai đoạn suy thận mạn tính.

6. Tiến triển của suy thận mạn

Suy thận mạn tiến triển có thể kéo dài 5-10 năm hoặc lâu hơn tùy từng trường hợp. Các giai đoạn của suy thận mạn nối tiếp nhau lần lượt. Mức lọc cầu thận giảm sút từ từ đến mức hoàn toàn và không hồi phục.

Trong quá trình diễn tiến, bệnh thường có những đợt cấp tính xảy ra, nhất là khi có những yếu tố làm nặng bệnh. Sau mỗi đợt cấp suy thận mạn thường nặng thêm lên. Càng có nhiều đợt cấp, suy thận mạn càng nhanh kết thúc đến giai đoạn cuối cùng.

7. Suy thận mãn tính có chữa khỏi được không?

Không có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính. Một khi chức năng thận đã bị suy giảm đi thì rất khó có thể phục hồi lại như trước được nữa.

Mục đích chính của điều trị suy thận mạn tính là giữ vững được mức độ suy thận như hiện tại, không để chức năng thận tiếp tục bị giảm sút thêm.

8. Lựa chọn phương pháp điều trị suy thận mạn tính như thế nào?

Ta căn cứ vào giai đoạn suy thận để điều trị.

Giai đoạn suy thận Mức lọc cầu thận (ml/phút) Creatinin máu (micromol/l) Lâm sàng Cách điều trị
Bình thường 61-120 70-106 Bình thường Không
Giai đoạn I 41-61 <130 Gần như bình thường Điều trị nguyên nhân gây suy thận
Giai đoạn II 21-40 130-299 Thiếu máu nhẹ Như điều trị suy thận giai đoạn I và thêm thuốc + chế độ ăn
Giai đoạn IIIa 11-20 300-499 Chán ăn, thiếu máu vừa Như điều trị suy thận giai đoạn II
Giai đoạn IIIb 5-10 500-900 Chán ăn, thiếu máu nặng Như điều trị suy thận giai đoạn II và thêm lọc máu
Giai đoạn IV <5 >900 Thêm hội chứng Ure máu cao Như điều trị suy thận giai đoạn II và thêm lọc máu + ghép thận
Bảng lựa chọn cách điều trị suy thận dựa vào giai đoạn bệnh.

9. Các phương pháp điều trị suy thận mạn tính

9.1 Điều trị nguyên nhân gây suy thận

Điều trị tất cả các yếu tố gây suy thận mạn trong 5 nhóm nguyên nhân kể trên là vấn đề then chốt nhất trong điều trị suy thận.

Đối với đa phần các bệnh nhân đó là kiểm soát chặt chẽ đường máu và huyết áp bằng các thuốc và chế độ ăn uống, luyện tập, giảm cân, thay đổi thói quen sinh hoạt. Phải điều trị dứt điểm sỏi thận, sỏi niệu quản và một số nguyên nhân gây suy thận khác.

Điều trị nguyên nhân gây suy thận sẽ chặn đứng hoặc giúp làm chậm các tổn thương thận đang có.

9.2 Điều chỉnh chế độ ăn

Ăn giảm những thức ăn không cần thiết sẽ gây gánh nặng cho thận.

Chất đạm

Chất đạm (protein) chính là loại thức ăn gây gánh nặng cho thận. Ta cần phải ăn hạn chế chất này. Chỉ ăn đủ một lượng đạm (protein) ở mức tối thiểu nhất tùy theo mức độ suy thận.

– Với suy thận độ I và II: Ăn 0,6 gam protein / kg cân nặng / ngày.

– Với suy thận độ IIIa: Ăn 0,5 gam protein / kg cân nặng / ngày.

– Với suy thận độ IIIa: Ăn 0,4 gam protein / kg cân nặng / ngày.

– Với suy thận độ IIIa: Ăn 0,2 gam protein / kg cân nặng / ngày.

Năng lượng

Năng lượng cần được cung cấp khoảng từ 35 – 40 Kcalo/kg/ ngày. Nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng chủ yếu là các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ), dầu ăn, đường, mật.

Vitamin

Nguồn cung cấp vitamin là các loại rau, quả ít đạm và không chua. Điển hình như bầu, bí, dưa chuột, xà lách, rau cải, bắp cải, su hào, cà rốt, nhãn, na, mít, đu đủ, dưa hấu, mía.

Nước và muối

Lượng nước đưa vào cần bằng số lượng nước tiểu hằng ngày. Muối và mì chính cần hạn chế, chỉ dùng ở mức từ 1- 2 gam muối / ngày

9.3 Dùng thuốc

Việc dùng thuốc ở bệnh nhân suy thận cần phải được các bác sĩ thăm khám lâm sàng, đánh giá tình hình trước khi ra chỉ định dùng thuốc gì. Một số nhóm thuốc chính thường dùng:

Thuốc lợi tiểu

Dùng Furosemid đường uống hoặc đường tiêm. (Không nên dùng lợi tiểu thiazid).

Thuốc hạ huyết áp

Nhóm chẹn kênh canxi: Nifedipin hoặc Amlordipin.

Nhóm ức chế men chuyển: Corversyl, Renitec. Các thuốc thuộc nhóm này ngoài giúp làm hạ huyết áp còn làm giãn các mạch cầu thận nên có lợi cho sự tưới máu thận. Tuy nhiên không dùng nhóm này khi bệnh nhân suy thận giai đoạn IIIb trở đi (Mức lọc cầu thận < 10ml/phút).

Thuốc hạ áp ức chế thần kinh trung ương: Methyldopa (Aldomet).

Chống thiếu máu

Dùng các thuốc chứa sắt, vitamin B12, acid folic.

Tiêm Erythropoietin ở giai đoạn suy thận độ III và IV có thiếu máu nặng và trong quá trình lọc máu chu kỳ.

Chống nhiễm khuẩn

Dùng các kháng sinh không độc cho thận như Amoxicilin, Erythromycin.

Điều trị các triệu chứng khác

Chống tăng Kali máu ở suy thận giai đoạn cuối: dùng lợi tiểu Furosemid, truyền Glucose ưu trương kết hợp insulin, lọc máu khi cần.

Chống hạ Canxi máu: dùng thuốc chứa Vitamin D và Canxi.

Chống toan hóa máu: Bicarbonat.

Chống suy tim: Digoxin.

9.4 Lọc máu chu kỳ

Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp suy thận giai đoạn IIIb và giai đoạn IV (mức lọc cầu thận < 10 ml/phút). Có chống chỉ định lọc máu với bệnh nhân ung thư, xơ gan phối hợp, người già thể trạng yếu.

Lọc máu chu kỳ bằng cách chạy thận nhân tạo là phương pháp rất hữu hiệu trong điều trị suy thận mạn. Mỗi tuần bệnh nhân được lọc 3 lần. Mỗi lần từ 4 đến 5 giờ tùy mức độ suy thận và tình trạng bệnh nhân.

9.5 Ghép thân

Ghép thận là phương pháp cuối cùng để điều trị suy thận. Phương pháp này được thực hiện khi bệnh nhân suy thận giai đoạn IV (mức lọc cầu thận < 5 ml/phút) và tìm được thận ghép phù hợp.

Sau khi ghép thận, phần lớn bệnh nhân có cuộc sống như bình thường. Tuy nhiên cần theo dõi đề phòng biến chứng thải bỏ mảnh ghép sau phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan