Phẫu thuật cắt tuyến giáp tại Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc
Bệnh nhân nữ 52 tuổi, quê Tam Hồng vào viện Trung tâm Y tế Yên Lạc ngày 5/4/2022 với lý do nuốt nghẹn, vướng bận ở cổ. Qua thăm khám cùng làm các cận lâm sàng; bệnh nhân được chẩn đoán Bướu nhân 2 thùy tuyến giáp và có chỉ định phẫu thuật. Ca mổ diễn ra tốt đẹp, người bệnh được cắt tuyến giáp toàn bộ. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt và không có các biến chứng chảy máu, nhiễm trùng.
Bệnh nhân phấn khởi chia sẻ: “Sau mổ tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn; sức khỏe hồi phục rất nhanh chỉ sau 1 ngày là có thể nói chuyện, đi lại và ăn uống bình thường. Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây chăm sóc tôi rất tận tình, chu đáo”.
1. Phẫu thuật cắt tuyến giáp là gì?
Cắt tuyến giáp là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp; được sử dụng để điều trị các rối loạn tuyến giáp như ung thư tuyến giáp, phì đại tuyến giáp, bứu nhân tuyến giáp, cường giáp…
Tỷ lệ tuyến giáp được loại bỏ phụ thuộc vào lý do mổ. Nếu bạn chỉ cần cắt bỏ một phần tuyến giáp thì vẫn có thể hoạt động và sinh hoạt bình thường sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu toàn bộ tuyến giáp bị cắt bỏ; bạn cần điều trị hằng ngày bằng hormone thay thế chức năng tuyến giáp.
2. Khi nào cần phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp?
Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt tuyến giáp nếu như có các tình trạng:
– Ung thư tuyến giáp: Ung thư là lý do phổ biến nhất cho việc cắt bỏ tuyến giáp
– Bướu nhân (sự mở rộng của tuyến giáp nhưng không phải ung thư): Cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp là 1 trong những lựa chọn nếu bạn bị bướu cổ lớn gây khó chịu, khó thở, khó nuốt hoặc trong trường hợp bướu cổ gây ra cường giáp.
– Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp): Cường giáp là tình trạng tuyến giáp của bạn sản xuất quá nhiều hormone thyroxine. Nếu bạn gặp vấn đề với thuốc kháng giáp và không muốn điều trị bằng iốt phóng xạ, phẫu thuật cắt tuyến giáp có thể là một lựa chọn.
– Các nhân giáp không xác định hoặc nghi ngờ: Một số nhân giáp không thể được xác định là ung thư hay không phải ung thư sau khi xét nghiệm sinh thiết. Các bác sĩ có thể khuyến nghị những người có các nhân này nên phẫu thuật cắt tuyến giáp nếu các nhân có nguy cơ ung thư cao hơn.
3. Cắt bỏ tuyến giáp có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sống của toàn cơ thể. Vì vậy việc cắt bỏ tuyến giáp không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe về sau. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào quá trình phẫu thuật và độ phục hồi của người bệnh sau mổ.
Trong quá trình phẫu thuật cắt tuyến giáp; hai biến chứng thường gặp nhất là chảy máu và nhiễm trùng. Tuy nhiên, chúng ta không cần quá lo lắng bởi hai biến chứng này hiện nay đã được giảm thiểu rất nhiều do sự tiên tiến của y học hiện đại. Tỷ lệ xảy ra chảy máu, nhiễm trùng cực thấp, chỉ khoảng 2%.
Về lâu về dài, bệnh nhân cũng có thể gặp một số vấn đề khác; ví dụ như tổn thương dây thần kinh ở thanh quản hoặc tổn thương các tuyến cận giáp. Nghiêm trọng hơn cả là vấn đề suy giáp sau phẫu thuật. Đặc biệt triệu chứng suy giáp thường không rõ ràng và xuất hiện sau một thời gian dài khi cắt bỏ tuyến giáp; vì thế bệnh nhân chỉ phát hiện lúc bệnh đã nặng; việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
4. Cuộc sống của người bệnh sau khi cắt bỏ tuyến giáp
Nếu người bệnh cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp; việc sử dụng hormone thay thế là điều bắt buộc. Loại hormone này sẽ thay thế cho T3 và T4 tuyến giáp tiết ra; đảm bảo hoạt động sống bình thường của cơ thể. Người bệnh phải sử dụng hormone thay thế này suốt đời.
Với người bệnh phải cắt bỏ một phần tuyến giáp; việc bổ sung lượng hormone bao nhiêu, trong thời gian bao lâu sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Các bác sĩ sẽ tính toán để đưa ra liều lượng phù hợp.
Một tin mừng là việc thay đổi hàm lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể không diễn ra đột ngột; cơ thể dễ dàng thích nghi. Theo như nghiên cứu thì trong vòng 2 năm đầu sau phẫu thuật; người bệnh vẫn cảm thấy bình thường ngay cả khi chưa bổ sung hormone từ bên ngoài do hàm lượng hormone tuyến giáp cũ còn lưu lại trong cơ thể.
5. Phẫu thuật cắt tuyến giáp tại Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc
Cắt tuyến giáp là một kỹ thuật mổ khó vì vùng cổ có rất nhiều mạch máu thần kinh quan trọng; khi thực hiện đòi hỏi sự tỷ mỷ và chính xác của các phẫu thuật viên. Khoảng 5 năm trở lại đây, mổ tuyến giáp đã được triển khai tại Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc dưới sự hướng dẫn tận tình của các bác sỹ tuyến Trung ương và tuyến Tỉnh. Với sự tin tưởng của người bệnh; cho đến nay đã có khoảng hơn 100 ca phẫu thuật thành công. Tất cả người bệnh đều hồi phục tốt, không có biến chứng sau mổ. Các bệnh nhân được tư vấn nhiệt tình và tái khám thường xuyên.