Hướng dẫn vệ sinh môi trường trước, trong và sau khi ngập lụt

Để sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ trong năm 2022, nhằm đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các chất thải phát tán khi mưa lũ, ngập úng, góp phần phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân trong mùa mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản số 908/KSBT-SKMT&YTTH ngày 19/5/2022 hướng dẫn các đơn vị y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung, giải pháp:

HƯỚNG DẪN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI NGẬP LỤT.

Đối với các nguồn nước

– Chuẩn bị nắp và ni lông để bịt miệng giếng khoan.

– Bịt miệng giếng, lu, nút giếng trước khi sơ tán hoặc thấy có nguy cơ bị ngập. Khi bịt miệng giếng cần có một khe nhỏ cho khí thoát ra khi nước dâng lên.

– Có dự trữ nước trong các bể chứa, dụng cụ chứa nước ở trên cao.

– Dự trữ một số nước uống đóng bình, đóng chai hoặc nước uống đã đun sôi.

Đối với nhà tiêu và chuồng gia súc, gia cầm

– Nhà tiêu hai ngăn, một ngăn: Lấy hết phân ra, đào hố ủ lèn chặt đất, mỗi ngăn đổ khoảng 2 – 3 kg vôi bột, chuẩn bị sẵn vật liệu gắp nắp đậy lỗ đi tiêu.

– Nhà tiêu tự hoại, bán tự hoại hoặc thấm dội nước: Chuẩn bị sẵn nút bệ xí.

– Nhà tiêu đào cải tiến (chìm có ống thông hơi): Chuẩn bị sẵn nắp đậy lỗ tiêu.

– Chuồng gia súc, gia cầm: Lấy hết phân ra ủ, xử lý chuồng trại bằng vôi bột, có thể rời chuồng gia súc, gia cầm đến nơi đất cao để tránh ngập lụt.

HƯỚNG DẪN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG KHI NGẬP LỤT

Đối với các nguồn nước: Quy trình: Làm trong nước, Khử trùng bằng Cloramin B, Đun sôi rồi mới sử dụng Ăn, uống

1.Làm trong nước bằng phèn chua:

+ Liều lượng: Sử dụng một trong các cách tính sau: 1g phèn chua (nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước; 10 gam phèn chua cho 200 lít nước; 50 gam phèn chua cho 1.000 lít nước (1m3 nước)

+ Cách làm: Hòa tan phèn trong một gáo nước cho tan hết, đổ vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, để lắng 30 phút, gạn lấy nước trong.

– Nếu không có phèn chua: Dùng vải sạch lọc nước, làm vài lần đến khi nước trong.

2.Khử trùng bằng hóa chất

– Hóa chất: Cloramin B bột loại 25% hoạt tính.

– Liều lượng: 0,3 gam bột cloramin B cho 30 lít nước.

Có thể dùng thìa ước tính như sau:1 thìa canh đầy tương đương 10 gam. 1/3 thìa bột cloramin B cho 300 lít. Thìa cloramin B cho khoảng 1.000 lít nước (1m3 nước).

– Cách khử trùng: Cho nước vào xô, chậu, dụng cụ chứa nước, tốt nhất dùng dụng cụ chứa nước có định lượng. Ví dụ sử dụng xô khoảng 10 – 20 lít. Hòa tan Cloramin B vào gáo nước rồi đổ vào dụng cụ chứa nước; Trộn đều, múc nước lên, khi thấy mùi Clo là được. Dùng nước sau xử lý 30 phút. Đun sôi trước khi dùng.

L­ưu ý:

+ Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn hoặc các chất hữu cơ trong n­ước sẽ hấp phụ hết Clo hoạt tính và làm mất tác dụng khử trùng của clo.

+ Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.

+ Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng. Nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống được.

3.Khử trùng bằng nhiệt: Đun sôi nước trước khi sử dụng.

Xử lý phân trong khi ngập lụt

1.Xử lý phân người

– Đào hố tiêu tạm thời ở chỗ đất cao, chưa bị ngập và cách xa nhà ở, nguồn nước trên 50m.

– Hộ gia đình: Đào những hố nhỏ kích thước 0,5m x 0,5m x 0,5m.

– Nơi sơ tán: Đào hố tiêu nông hoặc sâu cho khoảng 100 người dùng

+ Hố nông: 30cm x (300 – 350cm) x (90 – 150cm);

+ Hố sâu: (75 – 90cm) x (300 – 350cm) x (180 – 240cm).

– Khi sử dụng xong dùng tro hoặc đất lấp lại, khi kết thúc sơ tán phải lấp đất kỹ và lèn chặt.

– Nơi nước ngập cao, không kịp sơ tán hoặc phải ở lại nơi ngập lụt thì tạm thời sử dụng thùng, chậu, rổ… lót nilon, đổ tro, trấu hoặc đất vào, đi tiểu vào đó rồi treo phía ngoài nhà hoặc trên cây, khi nước rút đem đi chôn. Có thể bố trí nhà tiêu di động để thu gom và xử lý phân.

2.Xử lý phân gia súc, gia cầm

– Tập trung và chôn hàng ngày chỗ đất cao, chưa ngập, cách xa nơi ở, nguồn nước trên 50m. Trước khi lấp đất, rắc vôi bột để khử trùng tránh gây ô nhiễm.

– Nơi không có chỗ chôn cần tập trung, xử lý bằng vôi bột và đóng vào các bao kín để ở nơi đất cao không ngập nước; dùng túi nilon bọc kín tránh ruồi, mùi hôi. Khi nước rút đem đi chôn.

3.Quản lý gia súc, gia cầm và xử lý xác súc vật trong khi ngập lụt

– Gia súc và gia cầm phải được quản lý chặt chẽ, không thả rông gia súc, gia cầm để tránh làm ô nhiễm môi trường. Làm vệ sinh chuồng trại và tẩy uế hàng ngày bằng các loại hóa chất khử trùng thông thường như: vôi bột, Cloramin B. Nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh phải cách ly hoặc đem tiêu hủy (chôn hoặc đốt) đúng theo quy định. Trước khi chôn xác súc vật chết hoặc bị bệnh cần xử l‎ý bằng vôi bột hoặc hóa chất sát trùng, tốt nhất là bao gói kín bằng vật liệu không thấm nước và chôn ở nơi đất cao xa nguồn nước và khu dân cư. Đào hố chôn sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8m, đổ 2 – 3kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hóa chất khử trùng, tẩy uế (Crezil, Cloramin B) nồng độ cao (có thể tới 100mg/l Cloramin B) rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới. Trường hợp phải chôn ở nơi có nguy cơ ngập nước thì phải lèn chặt bằng đất đá không để xác súc vật nổi lên. Những nơi có điều kiện có thể thiêu hủy xác động vật chết

Thu gom, xử lý rác thải y tế

– Quy định và hướng dẫn người dân bỏ rác đúng thùng/túi phân loại rác. Rác thải phát sinh của người F0 đang được quản lý tại nhà/tại nơi tránh trú và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ phải được đựng trong thùng/túi đựng rác thải y tế, bên ngoài có chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”.

– Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.

– Khu vực lưu giữ tạm thời chất thải y tế trong thời gian mưa, lũ cần được bố trí ở một khu vực nền cao thoát nước, có mái che, cách xa khu vực ở của người dân. Trường hợp khu lưu giữ chất thải y tế tạm thời không có mái che, cần để chất thải vào túi nilon không thấm nước và buộc chặt miệng túi. Bố trí các phương tiện, dụng cụ, túi, thùng để thực hiện thu gom chất thải; khử khuẩn, vệ sinh môi trường, …

– Rác thải y tế phải được chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp do địa phương lựa chọn để vận chuyển, xử lý theo quy định.

HƯỚNG DẪN VỆ SINH MÔI TRƯỜNG SAU KHI NGẬP LỤT

Đối với các nguồn nước: Quy trình: Thau rửa dụng cụ chứa nước hoặc giếng, Làm trong nước, Khử trùng bằng Cloramin B, Đun sôi

Bước 1: Thau rửa dụng cụ chứa nước, giếng nước:

– Đối với giếng nước: Khơi thông tất cả các vũng nước xung quanh khu vực giếng. Tháo bỏ nắp và nilong bịt miệng giếng. Trước khi làm trong và khử trùng phải tiến hành thau vét giếng. Dùng nước giếng dội lên thành cho trôi hết đất cát và rác bám trên thành giếng và sàn giếng.

– Nếu giếng ngập lụt, nước đục: Thau vét giếng: Múc cạn nước và vét bùn cặn. Trường hợp không thể thau vét được thì nên chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung. Nếu tất cả các giếng trong khu vực đó đều không thể thau vét được thì có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời: múc nước lên bể chứa rồi đánh phèn và khử trùng, tiến hành thau rửa sau.

– Nếu giếng bị ngập nhưng nước không tràn vào giếng và nước trong: Khử trùng nước trong giếng để sử dụng. Nếu điều kiện cho phép thì múc cạn, thau rửa, tiến hành thau rửa giếng sau.

Bước 2: Làm trong nước bằng phèn chua:

Liều lượng: 10 gam phèn chua cho 200 lít nước. 50 gam phèn chua cho 1.000 lít nước (1m3 nước). Nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa tới 100g/1.000 lít (1m3).

Cách làm: Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gầu nước, tưới đều lên giếng nước, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để từ 30 phút đến 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử trùng.

Bước 3: Khử trùng nước

– Nguyên tắc: Nước sau khử trùng phải có nồng độ Clo dư: 0,2 – 1,0 mg/lít (có mùi nồng của Clo).

– Cách khử trùng: Nồng độ 10g/1m3 nước.

– Đối với bể chứa nước: Thau rửa bể chứa. Xử lý bằng Cloramin B theo nồng độ 10g/1m3 nước.

– Đối với giếng nước (giếng khơi, giếng đào): Múc một gầu nước, hòa lượng Cloramin B vào nước, khuấy cho tan hết. Tưới đều gầu nước này vào giếng. Thả gầu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên kéo xuống khoảng 10 lần. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột hóa chất trên vào giếng và khuấy đều, cho thêm đến khi nào nước giếng có mùi Clo thì thôi. Dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử trùng, sau đó để khoảng 30 phút là có thể dùng được.

Lưu ý: Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Đối với giếng khoan: Bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó có thể sử dụng được. Cần chú ý làm vệ sinh bơm, sàn giếng

Xử lý môi trường

– Nước rút đến đâu, các gia đình làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó, đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.

– Khi nước rút hết: Cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác gia súc vật chết, tẩy uế.

– Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.

– Làm vệ sinh và tu sửa nhà tiêu (nếu không hỏng nặng). Nếu nhà tiêu hỏng nặng, chọn nơi cao ráo xa nhà, xa giếng (20m) đào hố đi tạm rồi lấp đất, ngăn chặn côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân, chờ một vài tuần sửa lại nhà tiêu

Cách xử lý xác súc vật chết

– Tính toán lượng xác súc vật chết cần xử lý.

– Vị trí chôn xác súc vật: tốt nhất là chôn ở ngoài đồng, xa các nguồn nước (ao, hồ, sông…..) ít nhất 50m. Có thể chôn xác súc vật ở trong vườn nhưng cần lưu ý là phải cách xa các giếng nước ít nhất 30m và phải xử lý kỹ bằng hóa chất khử trùng tẩy uế.

Đào hố chôn: Vùi sâu xác súc vật dưới đất ít nhất 0,8m. Chuyển toàn bộ xác súc vật và hớt một lớp đất dày 10cm chỗ xác súc vật nằm cho vào hố chôn. Đổ 2 – 3 kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hóa chất khử trùng, tẩy uế (Crezil, Cloramin B) nồng độ cao (có thể tới 100 mg/l Cloramin B) rồi lấp đất, lèn chặt. Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới.

– Khử trùng nơi có xác súc vật: Sau khi chuyển xác súc vật đi chôn, phun thuốc khử trùng hoặc rắc vôi bột vào chỗ đó. Nếu không có vôi bột hay hóa chất khử trùng thì có thể tập trung rác (khô) vào chỗ đó và đốt.

Hàng ngày phải kiểm tra nơi chôn xác súc vật xem có bị súc vật hoặc chuột bọ đào bới hay không. Nếu phát hiện có mùi hôi thối hoặc bị đào bới thì phải lấp lại và rào chắn.

Nguồn Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc

Tin liên quan