Dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy: Chìa khoá giúp trẻ hồi phục nhanh chóng

     

                                  Dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy: Chìa khoá giúp trẻ hồi phục nhanh chóng

Tiêu chảy ở trẻ nhỏ là tình trạng phổ biến, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, suy dinh dưỡng và thậm chí tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, đặc biệt là qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và bù nước đầy đủ, tình trạng tiêu chảy có thể được cải thiện nhanh chóng, giúp trẻ phục hồi thể trạng và phát triển bình thường.

  1. Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị tiêu chảy

Khi bị tiêu chảy, trẻ mất một lượng lớn nước và điện giải, đồng thời dễ bị suy dinh dưỡng do hấp thu kém và ăn uống giảm. Chính vì vậy, việc cung cấp đủ nước, điện giải và năng lượng thông qua chế độ ăn hợp lý là cực kỳ quan trọng. Một số nguyên tắc cần nhớ gồm:

Không nên nhịn ăn hoặc giảm khẩu phần ăn khi trẻ bị tiêu chảy.

Khuyến khích trẻ ăn nhiều bữa với các món ăn dễ tiêu và giàu dinh dưỡng.

Tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu đang bú và tăng số lần bú trong ngày.

  1. Những thực phẩm nên dùng cho trẻ bị tiêu chảy

Để giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động ổn định hơn, hãy ưu tiên những loại thực phẩm mềm, dễ tiêu, ít chất xơ thô và giàu dinh dưỡng sau:

Tinh bột dễ tiêu: Gạo tẻ, cháo gạo, khoai tây luộc.

Chất đạm dễ hấp thu: Thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc.

Sữa phù hợp: Sữa đậu nành, sữa chua, sữa ít đường lactose (nếu không dung nạp đường lactose).

Chất béo tốt: Một lượng nhỏ dầu thực vật để tăng năng lượng.

Rau củ và trái cây: Cà rốt hầm nhừ, hồng xiêm, chuối tiêu, táo nghiền cung cấp vitamin và chất xơ hòa tan tốt cho hệ tiêu hóa.

Tùy theo độ tuổi và chế độ ăn trước đó của trẻ để có sự điều chỉnh phù hợp.

  1. Những thực phẩm nên tránh

Khi trẻ bị tiêu chảy, cần loại bỏ những thực phẩm có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn:

Nước ngọt, nước trái cây công nghiệp, đồ uống có đường sẽ gây tăng áp lực thẩm thấu, kéo nước vào ruột, làm nặng thêm tiêu chảy.

Thực phẩm nhiều chất xơ thô, khó tiêu như: măng, rau cần, ngô, gạo lứt.

Đồ chiên rán, cay nóng hoặc các món sống, chưa nấu kỹ.

  1. Cách cho trẻ ăn khi bị tiêu chảy

Trẻ nhỏ nên được cho ăn 6 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày.

Sau khi khỏi bệnh, duy trì thêm 1 bữa phụ/ngày trong vòng 2 tuần để giúp trẻ phục hồi thể trạng và tránh suy dinh dưỡng.

Trẻ dưới 6 tháng vẫn tiếp tục bú mẹ bình thường, tăng số lần bú. Nếu không có sữa mẹ, có thể dùng sữa công thức hoặc sữa bò được chia nhỏ thành nhiều bữa (ít nhất 3 giờ/lần).

Ưu tiên cho trẻ ăn các món nấu kỹ, hầm nhừ như: cháo, súp, cơm nát, canh rau nghiền.

Thức ăn cần được nấu chín và cho trẻ ăn ngay sau khi nấu xong, tránh nhiễm khuẩn.

  1. Những sai lầm phổ biến cần tránh

Nhiều cha mẹ khi chăm sóc trẻ tiêu chảy mắc một số sai lầm khiến bệnh kéo dài hoặc dẫn đến biến chứng:

Ngưng bú mẹ khi trẻ tiêu chảy – điều này là không đúng. Sữa mẹ giúp bổ sung nước, điện giải và kháng thể cho trẻ.

Cho trẻ kiêng khem quá mức, không dám cho ăn khiến trẻ thiếu chất và chậm hồi phục.

Không cho hoặc cho rất ít nước – làm tình trạng mất nước và rối loạn điện giải trầm trọng hơn.

Người mẹ kiêng ăn quá mức khiến chất lượng sữa giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ bú mẹ.

Trưởng khoa, BSCKI Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trung tâm Y tế khu vực Yên Lạc khuyến cáo: Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ không nên chủ quan. Bên cạnh việc theo dõi các dấu hiệu bất thường và đưa trẻ đi khám kịp thời, một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học là “chìa khóa” giúp trẻ nhanh hồi phục và phát triển khỏe mạnh.

Trung tâm Y tế khu vực Yên Lạc

Địa chỉ: Số 230 đường Dương Tĩnh, xã Yên Lạc, tỉnh Phú Thọ

Hotline: 098.140.5586

Website: http:/ttytyenlac.com

Fanpage: Trung tâm Y tế khu vực Yên Lạc

Nhóm: Trung tâm Y tế khu vực Yên Lạc tỉnh Phú Thọ

Tổ truyền thông

 

.

 

 

 

.

 

 

 

 

Tin liên quan