10 điều cha mẹ cần biết trước khi tiêm vắc xin Covid cho trẻ 5-11 tuổi

Vắc xin phòng Covid-19 rất quan trọng cho mọi lứa tuổi. Hiện nay 8,2 triệu trẻ em 5-11 tuổi trên cả nước chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19. Đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng (Bộ Y tế) cho biết tiêm cuốn chiếu theo các lớp; mỗi trẻ tiêm hai liều vắc xin Covid-19 cùng loại, cách nhau 4 tuần, không tiêm trộn. Dưới đây là 10 điều cha mẹ cần biết trước khi tiêm vắc xin Covid cho trẻ 5-11 tuổi.

1. Vì sao cần tiêm vắc xin Covid cho trẻ 5-11 tuổi?

Từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi đều có thể mắc Covid-19; vì vậy cần tiêm vắc xin là giải pháp hàng đầu trong phòng ngừa dịch bệnh. Các nước đều đánh giá vắc xin Covid-19 hiệu quả trong phòng bệnh, tái nhiễm, diễn biến nặng.

2. Cơ chế vắc xin hoạt động như thế nào?

Có hai loại vắc xin được phê duyệt để tiêm cho trẻ em, gồm của hãng dược Pfizer và Moderna. Cả hai đều được sản xuất theo công nghệ mRNA; tức bọc một đoạn gene của virus trong một lớp bảo vệ, gọi là kháng nguyên, đưa vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể triệt tiêu kháng nguyên này.

3. Vắc xin Covid cho trẻ 5 – 11 tuổi khác vắc xin thường ở điểm gì?

Vắc xin Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 – 11 tuổi có hàm lượng là 10mcg; bằng 1/3 hàm lượng so với liều dùng cho người từ 12 tuổi trở lên. Vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi có hàm lượng bằng 1/2 liều của người lớn (tương đương 0,25 ml). Trẻ chỉ tiêm 2 mũi vắc xin cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vắcxin mRNA nào.

4. Khi nào trẻ không nêm tiêm vắc xin Covid-19?

Trẻ bị dị ứng trong lần đầu tiêm chủng vắc xin Covid-19, dị ứng bất kỳ thành phần nào của vắc xin, thì không được tiêm chủng. Trẻ đang mắc bệnh cấp tính, đang trong một đợt điều trị corticoid (thuốc kháng viêm) liều cao hoặc bệnh mạn tính tiến triển, nên trì hoãn tiêm chủng.

5. Trẻ bị dị ứng có nên tiêm vắc xin?

Trẻ bị dị ứng thông thường, ví dụ viêm mũi dị ứng, dị ứng thời tiết, có thể tiêm vắc xin Covid-19. Trường hợp trẻ bị dị ứng nặng; sốc phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào như thuốc, thức ăn, nên vào viện theo dõi khi tiêm chủng.

6. Trẻ khỏi Covid-19 có cần tiêm vắc xin?

Trẻ khỏi Covid-19 vẫn cần tiêm chủng do miễn dịch tạo ra khi mắc bệnh không tồn tại lâu trong cơ thể. Thời điểm tiêm vắc xin là 3 tháng sau khi mắc bệnh.

7. Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi tiêm vắc xin Covid-19?

Trẻ thường có tâm lý sợ tiêm, sợ bác sĩ. Vì vậy, trước khi đưa trẻ đến điểm tiêm chủng, phụ huynh cần trò chuyện, chuẩn bị tâm lý cho con. Trẻ cần được bố mẹ nói về lợi ích của việc tiêm vắc xin Covid-19; quy trình tiêm như thế nào, có thời gian chờ theo dõi sau tiêm ra sao. Sự phân tích, động viên kịp thời sẽ giúp trẻ không bị căng thẳng trong quá trình tiêm. Bố mẹ có thể nói chuyện và thu hút sự chú ý của trẻ đến những thứ khác để trẻ quên đi nỗi sợ kim tiêm.

Phụ huynh cần chuẩn bị và cung cấp đầy đủ những thông tin về trẻ cho bác sĩ khám sàng lọc; như tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ; tiền sử bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch nguyên phát hoặc mắc phải, các loại thuốc điều trị; tiền sử mắc Covid-19 nếu có; tiền sử dị ứng, phản ứng nặng hoặc nghiêm trọng với các loại thuốc, thực phẩm, hóa chất hay vắc xin khác; tình trạng rối loạn đông máu; phản ứng nặng khi tiêm những loại vắc xin khác hoặc đã từng ngất xỉu liên quan đến tiêm thuốc hay không…

Phụ huynh không tự ý cho trẻ ngưng thuốc điều trị đang uống và cần mang theo toa thuốc, bệnh án để bác sĩ khám sàng lọc chỉ định tiêm chủng vắc xin Covid-19 chính xác.

Trước khi đi tiêm vắc xin Covid-19, trẻ cần được ăn uống đầy đủ. Uống nhiều nước vào ngày tiêm vắc xin có thể giúp trẻ bớt sốt.

8. Các phản ứng phụ trẻ có thể gặp sau tiêm?

Sau tiêm, trẻ thường có các phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi… Cha mẹ hãy cùng con ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, xử trí phản ứng phản vệ nếu có. Một số cách giúp trẻ giảm đau ngay là: ngồi yên, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể và cánh tay…

9. Theo dõi sức khỏe trẻ như thế nào sau khi tiêm vắc xin?

Khi về nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi chặt các dấu hiện trên cơ thể trẻ. Trẻ nhỏ thường hiếu động, không ngồi yên tại chỗ lâu; đôi khi chưa thể nói hoặc mô tả kỹ lưỡng các dấu hiệu như người lớn. Do đó, cha mẹ chủ động theo dõi sát diễn biến của con.

Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, gia đình hãy cho uống thuốc hạ sốt và bổ sung nhiều nước. Trẻ nên ăn nhiều trái cây, vitamin, vi chất để hệ miễn dịch hoạt động đáp ứng tốt nhất. Trường hợp bị sưng, đau tại vết tiêm; phụ huynh không nên đắp bất cứ vật gì lên vết tiêm tránh ảnh hưởng đến tác dụng vắc xin.

Cha mẹ theo dõi thời gian sốt của trẻ. Trường hợp sốt quá 24 tiếng, sốt cao, khó hạ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, gia đình phải cho nhập viện. Nếu trẻ chỉ sốt trong vòng 24 tiếng, tỉnh táo, không đau ngực, khó thở, có thể theo dõi tiếp tại nhà.

Sau khi tiêm vắc xin, trẻ có thể gặp phản ứng viêm cơ tim song tỷ lệ này rất thấp. Triệu chứng viêm cơ tim xuất hiện từ sau thời điểm tiêm cho đến 7 ngày trong tuần đầu sau tiêm và chỉ xuất hiện trong thời gian này. Tuy nhiên, cơ chế này chưa được các chuyên gia trên thế giới giải thích rõ. Trường hợp trẻ đau ngực, khó thở, đây là các dấu hiệu phản ứng nặng; gia đình cần đưa đến bệnh viện để cấp cứu.

10. Sau khi tiêm vắc xin, trẻ có cần ăn kiêng hoặc hạn chế nhiều hoạt động?

Tốt nhất sau tiêm 3 ngày đầu, trẻ không nên vận động mạnh. Nguyên nhân là bé sẽ có phản ứng quá mức gây khó thở, tim đập nhanh, mệt mỏi… Các triệu chứng này khiến chúng ta bị “nhiễu” khó phân biệt là do trẻ vận động mạnh hay do phản ứng với vắc xin để xử trí kịp thời.

Sau tiêm cũng như người lớn, trẻ kiêng các chất kích thích rượu, bia, cà phê. Gia đình nên cho trẻ ăn uống đầy đủ; không kiêng kem uống nhiều nước, ăn hoa quả. Nước dừa là nước trái cây rất tốt khi sử dụng cho trẻ sốt virus, sốt xuất huyết, cân bằng điện giải; gia đình có thể cho con uống sau tiêm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

 

Tin liên quan