Tìm hiểu về tháo dụng cụ nẹp xương

Nhiều người bệnh khi bị gãy xương, cần phải phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít hay định nội tủy. Sau một khoảng thời gian nhất định, những dụng cụ này có thể phải tháo ra. Cùng tìm hiểu về tháo dụng cụ nẹp xương.

1. Tháo dụng cụ sau phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là gì?

Trong các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, bác sĩ thường dùng các bộ dụng cụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình được làm bằng kim loại như các loại tấm nẹp, ốc vít, thanh nẹp và dây. Các dụng cụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình này được làm từ thép không gỉ hoặc Titanium và thường được sử dụng trong các phẫu thuật sau đây:

– Cố định một xương bị gãy vào đúng vị trí để giúp lành xương;

– Nối xương để điều trị viêm khớp;

– Thay đổi hình dạng của xương.

Một khi xương của bạn đã hoàn toàn bình phục, các bác sĩ phẫu thuật sẽ đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật để rút các dụng cụ này ra ngoài. Tuy nhiên, việc tháo dụng cụ phẫu thuật sau chấn thương chỉnh hình hay không sẽ còn tùy vào ý muốn của bạn.

Dụng cụ nẹp xương đòn

2. Thời gian tháo dụng cụ nẹp xương sau bao lâu là tốt nhất?

Sau đây là những lý do chính bạn nên tháo nẹp xương và các dụng cụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình ra:

– Để giảm cảm giác đau đớn hoặc khó chịu do các dụng cụ này gây ra;

– Để giúp điều trị nhiễm trùng vùng xung quanh các dụng cụ kim loại;

– Để tránh bị vướng bởi các dụng cụ khi bạn đang thực hiện các thao tác.

Ở chi trên, theo nguyên tắc, các nẹp kim loại có thể để yên tại chỗ. Tháo nẹp kim loại chỉ nên xem xét khi có phản ứng viêm hiện diện hay khi nẹp làm cản trở, gây khó chịu cho bệnh nhân về mặt cơ học.

Việc tháo nẹp kim loại ở xương cánh tay hay ở xương quay có thể làm tổn thương thần kinh quay và chỉ nên tháo ra khi có các triệu chứng trên lâm sàng quan trọng hay có biến chứng.

Ở chi dưới, chỉ định tháo dụng cụ kết xương tùy thuộc vào kiểu dụng cụ và vào thành phần hợp kim tạo nên dụng cụ. Những con vít đơn độc làm bằng thép 316L cũng như nẹp và vít làm bằng titan thuần (không pha với các kim loại khác) theo nguyên tắc có thể để yên.

Các dụng cụ bằng titan như vậy có thuận lợi hơn các dụng cụ bằng thép vì tránh được việc mổ lần thứ hai để tháo ra.

Để biết chính xác thời gian tháo nẹp ứng với từng vị trí xương gãy cụ thể, mời các bạn xem thêm bài viết: Thời gian rút đinh/tháo nẹp xương sau bao lâu là tốt nhất?

3. Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện tháo nẹp xương?

Ngoài biện pháp phẫu thuật, bạn có thể lựa chọn những biện pháp khác sau đây:

– Điều trị giảm đau hoặc khó chịu từ kim loại bằng thuốc giảm đau, tránh đè lên những dụng cụ kim loại này và giữ ấm khi thời tiết lạnh;

– Nếu bạn bị nhiễm trùng xung quanh các dụng cụ kim loại, bạn có thể được điều trị bằng cách uống thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, tốt hơn là nên phẫu thuật để lấy dụng cụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình ra hơn là chỉ uống thuốc.

4. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thực hiện phẫu thuật?

Mặc dù các dụng cụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình có thể gây khó chịu cho bạn, nhưng thật ra để nó trong người như vậy vẫn an toàn. Tuy nhiên, đôi khi những mảnh rất nhỏ kim loại có thể di chuyển khắp cơ thể bạn và gây ra một số bệnh;

Nếu bạn bị nhiễm trùng xung quanh các dụng cụ kim loại, nó có thể gây tổn thương xương và mô mềm, sau đó chuyển thành nhiễm trùng.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

5. Liệu có nguy hiểm nào có thể xảy ra khi tháo nẹp xương hay không?

Bác sĩ gây mê của bạn sẽ thảo luận với bạn những biến chứng có thể có của thuốc gây mê.

Biến chứng chung khi phẫu thuật có thể xảy ra bao gồm:

Đau, xảy ra với mọi phẫu thuật: Các nhân viên y tế sẽ cố gắng để làm giảm cơn đau của bạn. Họ sẽ cho bạn thuốc để kiểm soát cơn đau và điều quan trọng là bạn phải uống thuốc theo hướng dẫn;

Nhiễm trùng vết mổ: Sau phẫu thuật 48 giờ, bạn có thể tắm. Tuy nhiên, bạn phải giữ cho vết thương khô ráo và được che phủ. Hãy nói với nhân viên y tế biết nếu bạn bị sốt, thấy mủ trong vết thương, hoặc nếu vết thương trở nên đỏ, sưng hay đau đớn. Bạn chỉ cần dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, đôi khi cần phải phẫu thuật lại;

Sẹo xấu: Vết sẹo đôi khi có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi được cắt mở lần thứ hai;

Huyết khối (cục máu đông) tĩnh mạch sâu ở chân: Điều này có thể gây đau, sưng tấy hay mẩn đỏ ở chân hoặc các tĩnh mạch gần bề mặt của chân của bạn trông lớn hơn bình thường. Bác sĩ sẽ khuyến khích bạn ra khỏi giường ngay sau khi phẫu thuật và có thể cung cấp cho bạn thuốc tiêm, thuốc uống, hoặc vớ đặc biệt để chống huyết khối;

Cục máu đông trong phổi (thuyên tắc phổi): Điều này xảy ra nếu một cục máu đông di chuyển trong dòng máu và mắc kẹt tại phổi. Nếu bị khó thở, cảm thấy đau ở ngực hay lưng, hoặc ho ra máu thì bạn có thể bị thuyên tắc phổi;

Khó đi tiểu: Bạn có thể cần một ống thông lưu trong bàng quang trong một hoặc hai ngày để giúp bạn tống xuất nước tiểu.

Biến chứng cụ thể của phẫu thuật tháo nẹp xương này:

Bác sĩ không thể loại bỏ tất cả các dụng cụ kim loại: Điều này có thể xảy ra nếu các kim loại bị hư hỏng, hoàn toàn bị chôn vùi hoặc cố định quá vững chắc trong xương của bạn;

Có nguy cơ tổn thương các dây thần kinh gần kề, dẫn tới yếu, tê hoặc đau: Điều này thường tự hết nhưng có thể là vĩnh viễn;

Sự suy yếu của xương: Điều này có thể dẫn đến gãy xương trong hoặc sau khi tiến hành rút dụng cụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Nếu biến chứng này xảy ra, bạn có thể cần phải phẫu thuật lại;

Đau đớn dữ dội, cứng và mất khả năng sử dụng cánh tay hoặc chân (Hội chứng đau khu vực phức tạp): Biến chứng này là rất hiếm và không rõ nguyên nhân. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể cần được điều trị thêm với thuốc giảm đau và vật lý trị liệu. Bạn có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để hồi phục sau biến chứng này.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các biến chứng có thể xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

6. Quá trình thực hiện tháo nẹp xương

Trước khi mổ:

Các nhân viên y tế sẽ thực hiện một số kiểm tra để chắc chắn rằng bạn thực hiện đúng loại phẫu thuật và đúng vị trí có dụng cụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình trên cơ thể. Bạn có thể giúp đỡ các bác sĩ bằng cách cung cấp những thông tin cần thiết cho bác sĩ phẫu thuật và các nhân viên y tế.
Có nhiều cách gây mê khác nhau cho phẫu thuật này. Bác sĩ gây mê sẽ đề nghị hình thức nào là tốt nhất dành cho bạn. Bạn có thể được tiêm thuốc tê tại chỗ để giảm đau sau khi phẫu thuật. Bạn cũng có thể được cho dùng thuốc kháng sinh trong phẫu thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Bạn nên cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng và làm theo lời khuyên của bác sĩ. Nếu bạn đang dùng beta-blockers (một loại thuốc để điều trị bệnh tim mạch), bạn nên tiếp tục dùng chúng như bình thường.
Bạn có thể cần phải ngừng uống warfarin hoặc clopidogrel (thuốc chống đông máu và chống kết tập tiểu cầu) trước khi phẫu thuật để tránh nguy cơ chảy máu khó cầm.

Trong khi mổ:

Bác sĩ phẫu thuật thường sẽ loại bỏ các kim loại thông qua vết mổ cũ đã được sử dụng để đặt nó vào trong. Vít nhỏ hoặc dây đôi khi rất khó tìm. Những lúc đó, bác sĩ phẫu thuật có thể cần phải cắt rộng hơn và phải chụp X-quang. Ngay cả các dụng cụ kim loại khác cũng có thể trở nên khó tìm nếu chúng được bao phủ bằng các vết sẹo hoặc xương. Cuối cùng, bác sĩ phẫu thuật sẽ đóng da bằng chỉ khâu hoặc kẹp.

Sau khi mổ xong:

Trong bệnh viện

Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được chuyển đến các khu vực phục hồi hậu phẫu. Bạn nên giữ cho cánh tay hoặc chân nâng cao để làm giảm sưng. Nhân viên y tế sẽ kiểm tra mức độ lưu thông máu của vùng được phẫu thuật và theo dõi xem có chảy máu hoặc sưng hay không. Nếu bạn đã bị một nhiễm trùng xung quanh các dụng cụ kim loại thì có thể cần điều trị thêm;

Bác sĩ phẫu thuật sẽ cho bạn biết bạn có thể sử dụng cánh tay hoặc cẳng chân ở mức độ nào. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ giúp bạn đi bộ một cách an toàn. Bạn có thể cần nạng hay khung để đi;

Đối với 4-5 ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật, hãy giữ cho vết thương khô và sử dụng một tấm che không thấm nước khi tắm bồn hoặc vòi hoa sen. Các nhân viên y tế sẽ cho bạn biết nếu cần phải gỡ bỏ bất kỳ vết khâu hoặc nẹp, hoặc thay băng;

Bạn sẽ có thể về nhà trong ngày hoặc ngày hôm sau. Tuy nhiên, bác sĩ có thể khuyên bạn nên ở lại lâu hơn một chút để tiện việc theo dõi;

Nếu bạn về nhà trong ngày, bạn phải được đưa về nhà trong một chiếc xe hơi hoặc taxi và có người bên cạnh chăm sóc trong ít nhất 24 giờ. Bạn nên nằm gần một chiếc điện thoại để đề phòng trường hợp khẩn cấp;

Nếu bạn đang lo lắng về bất cứ điều gì, ở bệnh viện hay ở nhà, hãy liên hệ với bác sĩ.

Khi trở về nhà

Bạn không nên lái xe, vận hành máy móc (điều này bao gồm cả dùng bếp lò cho việc nấu ăn) hoặc làm bất cứ hoạt động nguy hiểm nào trong ít nhất 24 giờ sau phẫu thuật. Điều này được suy trì cho đến khi bạn đã hoàn toàn bình phục cảm giác, vận động và phối hợp. Nếu bạn đã được gây mê, bạn cũng không nên ký các văn bản pháp luật hoặc uống rượu trong ít nhất 24 giờ;

Để giảm nguy cơ phát triển cục máu đông, hãy chắc chắn rằng bạn làm theo các hướng dẫn của nhân viên y tế, bao gồm việc uống thuốc hoặc phải mang vớ y tế;

Trong tuần đầu tiên, bạn sẽ cần phải dành phần lớn thời gian để nâng cánh tay hoặc chân lên để giảm sưng. Sau đó, bạn thường có thể bắt đầu được vận động nhiều hơn một chút;

Khi bạn bắt đầu vận động nhiều hơn, hãy nhớ sử dụng nạng hoặc khung để đi. Đối với phẫu thuật chân, bác sĩ phẫu thuật và vật lý trị liệu sẽ cho bạn biết khi nào bạn có thể nâng được đồ vật. Bạn có thể được hướng dẫn tập các bài tập để giúp các khớp xương hoạt động tốt hơn.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ cho bạn biết khi bạn có thể trở lại hoạt động bình thường.

Đừng tự ý lái xe cho đến khi bạn tự tin về khả năng kiểm soát của mình.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

2 thoughts on “Tìm hiểu về tháo dụng cụ nẹp xương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan