Diễn biến bệnh sởi hiện nay và các biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Hiện nay bệnh sởi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại trong năm 2017. Theo số liệu cập nhật mới nhất của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Phúc thông báo, tính đến ngày 22 tháng 8 năm 2017 toàn tỉnh ghi nhận 14 trường hợp mắc sởi, trong đó có 01 ca bệnh đã có kết quả xét nghiệm dương tính tại thôn Yên Quán xã Bình Định huyện Yên Lạc. Để phòng chống bệnh sởi hiệu quả và bảo vệ sức khỏe con em mình, mọi người dân hãy chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh sởi.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông – xuân, đến nay Sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Tất cả những người chưa có miễn dịch với Sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong phòng, không gian khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh Sởi do chưa được tiêm chủng vắc xin Sởi, chưa từng mắc bệnh Sởi trước đó hoặc ở một số rất ít đối tượng không có đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc xin.
NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA BỆNH SỞI :
Một người khi bị mắc bệnh Sởi sẽ có biểu hiện như sau : sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40oC, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, đỏ kết mạc, phù mi mắt và xuất hiện những nốt trắng nhỏ bên trong má. Sau vài ngày xuất hiện ban nhỏ màu hồng rải rác, hay từng đám, ban bắt đầu mọc ở chân tóc sau tai, rồi lan dần theo thứ tự: đầu, mặt, cổ, lưng, bụng và các chi. Ban có thể tồn tại 5-6 ngày rồi lặn đi và để lại những vết thâm.
PHƯƠNG THỨC LÂY TRUYỀN:
Bệnh Sởi lây truyền qua đường hô hấp trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua những giọt nước bọt nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Bệnh rất dễ lây truyền ở những nơi tập trung đông đúc như: Chợ, nhà trẻ, trường học…
BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH SỞI:
Bệnh nhân mắc bệnh Sởi nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm thanh quản, viêm não tủy… dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.
Trẻ em dưới 5 tuổi đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không được tiêm Vaccin Sởi sẽ rất dễ mắc bệnh Sởi và có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như: Tiêu chảy mất nước nặng, viêm phổi, viêm phế quản, viêm não, viêm màng não, viêm niêm mạc miệng, cam tẩu mã, viêm ruột, loét giác mạc….
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH SỞI :
Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch sởi mọi người cần thực hiện tốt một số biện pháp sau :
+ Vệ sinh sạch sẽ nhà ở, nơi làm việc, trường học.
+ Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
+ Không chùi tay lên mắt, mũi, miệng.
+ Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, như: nước muối sinh lý 9‰
+ Súc họng bằng dung dịch Listerrin, dung dịch TB.
Đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (người sống cùng nhà, thầy thuốc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân).
+ Hạn chế tiếp xúc với người mắc sốt phát ban, rubella, hoặc những người có một số các dấu hiệu của bệnh sởi…..
+ Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang và mặc trang phục bảo hộ.
+ Hạn chế đến những nơi tập trung đông người, và những nơi gần ổ dịch.
+ Không cho trẻ em dùng chung các vật dụng cá nhân như: khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa, đồ chơi hoặc những đồ vật dế bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.
+ Nhà ở phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, có thể cọ rửa bằng dung dịch sát khuẩn Cloramin B.
+ Ăn uống đủ chất như: rau, củ, quả, thịt, cá, bổ sung hợp lý các Vitamin đặc biệt là Vitamin A và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
+ Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
+ Đối với người lớn hoặc những trường hợp trẻ em bỏ lỡ cơ hội tiêm phòng vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em, thì có thể tiêm phòng bằng văc xin phối hợp (Sởi-Quai bị -Rubella) để phòng bệnh.
* Đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi.
Do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên trẻ rất dễ bị lây bệnh từ người mắc Sởi, vì vậy các bà mẹ nên thực hiện các biện pháp sau đây:
– Không cho trẻ đến nơi tập trung đông người khi không cần thiết, không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân Sởi hoặc nghi Sởi. Không cho trẻ đến nơi đang có dịch, những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh như bệnh viện, phòng khám – nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Sởi.
– Thường xuyên vệ sinh mũi, họng, mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý 9‰.
– Tiêm phòng Vaccin Sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi.