Đại cương về gây mê

1. Định nghĩa

Gây mê là phương pháp vô cảm nhằm mục đích làm mất tạm thời ý thức, cảm giác, các phản xạ, bằng các thuốc mê tác động trên thần kinh trung ương.

2. Cơ chế mê

Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về cơ chế tác dụng của thuốc mê đối với các tế bào thần kinh như thế nào mà tạo nên trạng thái mê, nhưng tất cả các thuyết đưa ra chưa giải thích được cơ chế rõ ràng mà hầu như chỉ giải thích được những hiện tượng dựa trên những dữ kiện vật lý, hóa học, sinh lý, sinh hóa thần kinh.

Ở đây chỉ đề cập sơ lược về những thuyết đang được chú ý nhiều nhất đó là những phản ứng lý hóa của thuốc mê đối với những màng sinh học và những thay đổi chức năng của tế bào thần kinh

2.1 Cơ chế lý hóa

Meyer (1899) và Overton (1901) đã nhận thấy rằng hiệu lực và đặc tính gây mê có liên hệ chặt chẽ đến tính hòa tan trong lipit của thuốc mê. Như vậy tính chất gây mê có liên hệ đến tính hòa tan của thuốc trong các màng sinh học.

Thuốc làm cho màng căng ra với một thể tích tới hạn sẽ tạo nên tình trạng mê. Màng sinh học căng không phải chỉ do tính chất thuốc mê tan trong lipit mà thuốc mê còn phản ứng cả với protit. Có lẽ những thay đổi như vậy trong cấu trúc màng tế bào đã ảnh hưởng đến sự dẫn truyền thần kinh tại những nơi tiếp hợp của não và dẫn đến tình trạng mê

2.2 Cơ chế sinh lý, sinh hóa thần kinh

Người ta nhận thấy thuốc mê có tác dụng ngăn cản sự dẫn truyền thần kinh tại những nơi tiếp hợp, nhưng chưa thể xác định rõ ràng là trước hay sau nơi tiếp hợp.

Nếu trước nơi tiếp hợp, nguyên do là có liên quan đến giảm sự phóng thích acetycholin hoặc là do tác dụng ức chế acetylcholin của axit gamma aminobutyric

Nếu sau nơi tiếp hợp là do giảm sự nhạy cảm đối với acetylcholin hoặc gia tăng sự phân cực của màng sau nơi tiếp hợp.

Người ta nghĩ rằng thuốc mê tác động trên các ty lạp thể, làm giảm sự hấp thu Ca++ nội bào dẫn đến giảm phóng thích chất dẫn truyền thần kinh, làm mất sự ổn định của những màng sau nơi tiếp hợp dẫn đến giảm dẫn truyền thần kinh nơi tiếp hợp và làm suy giảm chức năng thần kinh trung ương.

3. Phân loại gây mê

Tuỳ theo đường vào cơ thể của thuốc mê người ta chia ra làm 3 loại:

Gây mê qua đường hô hấp.

Gây mê qua các đường khác.

Gây mê phối hợp.

3.1 Gây mê qua đường hô hấp

Thuốc mê được đưa vào cơ thể người bệnh phải qua đường hô hấp. Người bệnh hít hơi thuốc mê, thuốc qua phế nang để vào máu.

Có hai nhóm thuốc mê dùng cho gây mê qua đường hô hấp

Thuốc mê bốc hơi: Trong điều kiện bình thường về nhiệt độ và áp suất, thuốc ở dạng lỏng nhưng dễ bốc hơi, cần phải có bình bốc hơi để dùng những hơi này cho người bệnh.

Thuốc mê thể khí: Trong điều kiện bình thường về nhiệt độ và áp suất thuốc ở thể khí.

Thuốc mê vào đường hô hấp bằng nhiều cách

Qua miệng, mũi: bằng qua mặt nạ, qua mát hở.

Qua ống nội khí quản: có đặt ống nội khí quản.

Tuỳ theo mức độ hít lại hơi thở ra mà có 4 phương pháp gây mê

Phương pháp hở (hệ thống hở)

Bệnh nhân không hít lại hơi thở ra, điển hình là gây mê qua mát hở, gây mê bằng máy gây mê dã chiến.

Phương pháp nửa hở (1/2 hở)

Bệnh nhân hít lại một phần rất nhỏ khí thở ra, gặp trong máy gây mê dã chiến và máy gây mê vòng kín để ở hệ thống 1/2 hở.

Phương pháp kín

Bệnh nhân hít lại toàn bộ khí thở ra, gặp trong máy gây mê vòng kín để ở hệ thống kín. Phương pháp này cần có vôi soda để khử khí CO2.

Phương pháp nửa kín (1/2 kín)

Bệnh nhân hít lại một phần khí thở ra, do đó cũng cần có soda để khử CO2, gặp trong gây mê bằng máy gây mê vòng kín khi điều chỉnh van ở hệ thống 1/2 kín.

Máy gây mê vòng kín (hệ thống vòng hay hệ thống lọc):

Máy được bố trí 2 van, 1 van hít vào và 1 van thở ra. Bệnh nhân hít vào qua 1 đường và thở ra 1 đường khác. Như vậy oxy và hơi thuốc mê chỉ đi theo một chiều duy nhất.

Ngoài ra máy gồm có 1 bóng cao su, 1 bình vôi soda và các bình đựng thuốc bốc hơi.

Thành phần vôi soda chủ yếu bao gồm: Ca(OH)2 và NaOH

H2O + CO2 = H2CO3

H2CO3 + 2 NaOH = Na2CO3 + 2 H2O + T0.

Na2CO3 + Ca(OH)2 = CaCO3 + 2 NaOH

3.2 Gây mê qua các đường khác

Qua đường tĩnh mạch

Tiêm thuốc mê vào tĩnh mạch

Qua đường trực tràng

Thụt thuốc mê vào trực tràng (phương pháp này hiện nay ít dùng).

Qua đường bắp thịt

Tiêm thuốc mê vào bắp thịt

3.3 Gây mê phối hợp

Dùng các thuốc mê khác nhau qua một đường hoặc nhiều đường khác nhau vào cơ thể bệnh nhân để gây mê. Ví dụ: dùng Propofol để khởi mê qua đường tĩnh mạch, sau đó duy trì mê bằng thuốc mê đường hô hấp như Isoflurane.

Sử dụng thuốc mê phối hợp với các thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ

Gây mê phối hợp với gây tê vùng

4. Những thuốc thường dùng trong gây mê

4.1 Thuốc mê

Thuốc mê tĩnh mạch

Thiopental

Propofol

Etomidat

Ketamin

Thuốc mê hô hấp

Nitrous oxid ( N2O )

Halothan

Enfluran

Isofluran

Desfluran

Sevofluran

4.2 Thuốc giảm đau

Các thuốc có tác dụng giảm đau trung ương thuộc họ morphine thường dùng để tăng tác dụng của thuốc mê là:

Morphin

Dolargan.

Fentanyl.

Sufentanyl

Remifentanyl

4.3 Thuốc giãn cơ

Có 2 loại thuốc giãn cơ:

– Thuốc giãn cơ khử cực thường dùng là:  Succinylcholin

– Thuốc giãn cơ không khử cực thường dùng là:

Esmeron

Norcuron.

Arduan

4.4 Thuốc an thần trấn tĩnh

Droperidol

Seduxen

Hypnoven

5. Biến chứng trong gây mê

Biến chứng về hô hấp

Biến chúng về tuần hoàn

Biến chứng về thần kinh

Biến chứng liên quan đến tư thế phẫu thuật

Biến chứng nôn và buồn nôn

Biến chúng dị ứng

Biến chứng rối loạn thân nhiệt

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan