Bệnh viêm xoang: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm xoang là bệnh khá hay gặp trong đời sống xã hội. Bệnh dễ trở thành mạn tính, diễn biến dai dẳng khó trị dứt điểm. Vậy viêm xoang là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh hiệu quả.
1. Các xoang vùng mặt
Xoang là các hốc rỗng nằm trong các xương sọ mặt và có liên quan mật thiết với hốc mũi. Mỗi người có 5 loại xoang, chia làm hai nhóm:
– Nhóm xoang trước gồm các xoang: Xoang trán, xoang hàm, các xoang sàng trước. Nhóm xoang này đều có lỗ đổ thông ra mũi trước, là vùng hô hấp của hốc mũi. Vùng này mở thông ra ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn nên các xoang trước thường khi bị viêm thì sẽ viêm cấp tính.
– Nhóm xoang sau gồm các xoang: Các xoang sàng sau, xoang bướm. Nhóm xoang này có lỗ đổ thông ra vùng mũi sau. Vùng này kín hơn, ít bị xâm nhập bởi nhưng nguyên nhân bệnh lý bên ngoài. Nhóm xoang sau ít khi bị viêm cấp, một khi đã viêm thì dễ thành viêm mạn tính.
Bình thường trong các hốc xoang là vô khuẩn. Dịch nhầy được sản xuất liên tục trong lòng xoang và được đẩy từ lòng xoang ra mũi rồi xuống họng.
2. Viêm xoang là gì?
Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc lót trong các xoang. Biểu hiện là niêm mạc bị phù nề tăng tiết dịch nhầy có thể gây tắc nghẽn xoang. Thông thường một xoang bị viêm, có khi cả hai bên hoặc lan ra ra cả các xoang khác tạo thành viêm đa xoang.
Nếu bệnh diễn ra trong thời gian ngắn sau đó khỏi dưới 2 tháng gọi là viêm xoang cấp tính. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách, dẫn đến dai dẳng kéo dài trên 2 tháng gọi là viêm xoang mạn tính.
Viêm xoang là bệnh khá phổ biến, chiếm 2,5% đến 4% dân số.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân rất đa dạng, được chia làm 4 nhóm chính:
Nhóm nhiễm trùng:
Những viêm nhiễm từ mũi họng, amidan, sâu răng… lan vào xoang theo các đường tự nhiên.
Nhóm dị ứng:
Phản ứng dị nguyên – kháng thể xảy ra tại niêm mạc xoang. Trong thực tế, nhóm nhiễm trùng và nhóm dị ứng thường có quan hệ nhân quả với nhau nên thường cùng tồn tại trong bệnh cảnh viêm xoang.
Nhóm chấn thương:
Bao gồm chấn thương cơ học (va đập, tai nạn giao thông, tai nạn lao động) và chấn thương áp lực (do hỏa khí, lặn sâu…)
Nhóm các nguyên nhân khác:
– Tác động của các yếu tố lý, hóa: Khí độc, độ ẩm cao,…
– Dị hình mũi, khối u mũi, polyp mũi.
– Can thiệp thủ thuật vùng mũi xoang.
4. Triệu chứng lâm sàng
4.1 Triệu chứng viêm xoang cấp tính
Bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu:
Đau: là dấu hiệu chính, thường đau về sáng đến trưa nhiều hơn (do đêm bị ứ đọng dịch xuất tiết ở xoang). Đau thành cơn, đau có vị trí rõ rệt. Các điểm đau có thể là gò má (xoang hàm), hố mắt (xoang trán), thái dương hoặc đỉnh đầu.
Chảy mũi: nước mũi đặc, màu xanh hoặc vàng, không có mùi hoặc mùi tanh. Thường chảy mũi liên tục trên 2 tuần và dưới 2 tháng. Nếu chảy mũi dưới 2 tuần thường là của viêm mũi cấp, bệnh nhân chưa có viêm xoang. Còn nếu chảy mũi quá 2 tháng thì viêm này đã trở thành mạn tính.
Ngạt tắc mũi: ngạt từng lúc hoặc liên tục, ngạt luân phiên giữa mũi nọ và mũi kia, trường hợp nặng ngạt cả 2 bên. Tuy nhiên khi khí dung thuốc hoặc dùng thuốc nhỏ mũi còn phát huy tác dụng.
Ho, khạc đờm: do dịch nhầy chảy từ xoang xuống mũi và chảy xuống họng.
Giảm khả năng ngửi: do niêm mạc bị phù nề và do dịch nhầy che lấp vùng ngửi.
Ù tai, nghe kém: do quá trình viêm làm phù nề, tắc vòi tai.
Sốt, người mệt mỏi
Triệu chứng khi nội soi tai – mũi – họng:
Nội soi tai mũi họng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện các dấu hiệu của bệnh viêm xoang bên cạnh những triệu chứng mà bệnh nhân tự cảm nhận được.
Vùng mũi trước: Niêm mạc mũi phù nề, xung huyết đỏ. Có nhiều mủ đặc đọng ở sàn mũi và khe mũi. Đặc biệt khi bệnh nhân xì mũi, sau đó khám lại vẫn thấy có mủ ở sàn và khe mũi, không thể hết sạch được như trong viêm mũi cấp. Mủ ở đây do chảy từ xoang bị viêm xuống mũi.
Vùng mũi sau: Có mủ ở các khe mũi.
4.2 Triệu chứng viêm xoang mạn tính
Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng:
Đau: không đau nhiều như viêm xoang cấp. bệnh nhân chỉ đau nhức nhẹ âm ỉ mơ hồ, không rõ điểm đau rõ rệt.
Chảy mũi: nước mũi đặc, màu xanh hoặc vàng, không có mùi trừ trường hợp viêm xoang do sâu răng sẽ có mùi thối khẳn. Quá trình chảy mũi kéo dài trên 2 tháng. (Phân biệt với viêm cấp chỉ có chảy mũi dưới 2 tháng).
Ngạt tắc mũi: do viêm lâu ngày gây thoái hóa cuốn mũi, polyp mũi. Thời gian đầu khí dung hoặc dùng thuốc nhỏ mũi còn đáp ứng. Giai đoạn sau ngạt liên tục, khí dung hay nhỏ mũi không có tác dụng.
Ho, khạc đờm: do dịch nhầy chảy từ xoang xuống mũi và chảy xuống họng. Hoặc có thể đờm từ phế quản lên do hậu quả của viêm xoang kéo dài gây viêm phế quản.
Mất khả năng ngửi: do bít tắc đường lên vùng ngửi bởi polyp mũi.
Một số bệnh nhân có ù tai, nghe kém do tắc vòi tai.
Bệnh nhân không sốt, hoặc chỉ sốt nhẹ về chiều
Kết quả khi nội soi tai – mũi – họng:
Giai đoạn sớm: niêm mạc mũi phù nề, nhợt nhạt, đọng mủ ở các khe mũi.
Giai đoạn muộn: có hình ảnh thoái hóa cuốn mũi, polyp mũi.
5. Tiến triển và biến chứng
Viêm xoang thường tiến triển chậm, thỉnh thoảng có những đợt bội nhiễm cấp tính và dễ gây biễn chứng trong những đợt bội nhiễm này.
Biến chứng nội sọ: viêm màng não, apxe não … chủ yếu do viêm xoang sàng, xoang trán.
Biến chứng mắt: tổn thương dây thần kinh thị giác, tổ chức liên kết của mắt do viêm xoang bướm, xoang sàng.
Biến chứng tai: do viêm xoang dẫn tới viêm tắc vòi tai.
Biến chứng phổi: viêm xoang mạn tính kéo dài dễ gây viêm phế quản.
6. Điều trị viêm xoang
6.1 Điều trị nội khoa
Áp dụng cho những trường hợp viêm xoang cấp tính và viêm mạn tính giai đoạn sớm, chưa có thoái hóa cuốn mũi và polyp mũi.
Dùng thuốc toàn thân:
Thuốc kháng sinh liều cao, phối hợp nhiều nhóm kháng sinh, dùng liên tục từ 10 – 14 ngày.
Thuốc chống viêm: Corticoid
Thuốc giảm phù nề: Alphachymochypsin, Bromelain, Montelukast
Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, Ibuprofen
Thuốc chống dị ứng: Các thuốc kháng histamin H2
Điều trị tại chỗ:
Vệ sinh hết mủ vùng mũi, đảm bảo lưu thông xoang và mũi được thông thoáng bằng cách xì mũi hoặc hút mũi.
Cách xì mũi: Ta phải bịt một bên mũi rồi xì bên còn lại, làm lần lượt như vậy 2 bên mũi. Không nên xì 2 bên cùng lúc để tránh dịch mủ bắn lên tai.
Cách hút mũi: Có thể dùng dụng cụ hút mũi đơn giản hoặc máy hút mũi chuyên nghiệp.
Dùng thuốc tại chỗ: Sau khi xì mũi và hút mũi xong, dùng thuốc khí dung hoặc thuốc nhỏ mũi có thành phần là kháng sinh kết hợp với Corticoid.
Xem xét chọc rửa xoang khi đã giảm viêm nhiễm (bệnh nhân đỡ hoặc hết sốt).
Điều trị bổ trợ nâng cao sức đề kháng của cơ thể
Nghỉ ngơi hợp lý, ăn đầy đủ các chất. Chú trọng bổ sung vitamin C có trong ổi, cam, dâu tây, kiwi, đu đủ, súp lơ…vv. Uống nhiều nước ít nhất trên 2 lít một ngày. Hạn chế bia rượu, bỏ thuốc lá.
6.2 Điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật xoang áp dụng cho những trường hợp viêm xoang mạn tính giai đoạn muộn đã có thoái hóa cuốn mũi, polyp mũi hoặc những trường hợp viêm mạn tính đã điều trị nội khoa nhưng không khỏi.
Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ có thể cắt polyp mũi đơn thuần, hoặc cắt polyp mũi phối hợp với phẫu thuật nạo vét xoang.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân