Viêm tai giữa cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm tai giữa cấp là một trong những bệnh về tai mũi họng hay gặp nhất ở trẻ em. Nếu không điều trị tốt, bệnh có thể tiến triển và dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm tai giữa.
1. Viêm tai giữa cấp là gì?
Viêm tai giữa cấp là hiện tượng viêm nhiễm cấp tính và nung mủ ở phía sau màng nhĩ tương ứng với vị trí tai giữa. Đây là bệnh rất thường gặp ở cộng đồng đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh khỏi và không để lại di chứng gì. Nếu muộn sẽ gây tổn thương lâu dài ở cơ quan thính giác, thậm chí có thể gây biến chứng rất nguy hiểm.
2. Nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp
Viêm tai giữa cấp được gây ra bởi 2 nguyên nhân:
– Do những viêm nhiễm từ vùng khác lan đến ( từ vùng mũi họng, tai ngoài…vv )
– Vòi tai bị bít tắc dẫn đến các chất dịch tiết ra bị mắc kẹt trong tai giữa không thể đổ xuống dưới. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Thực tế cho thấy tuyệt đại đa số các trường hợp viêm tai giữa là do các viêm nhiễm vùng mũi họng lan qua vòi tai tới tai giữa. Khi cả hệ thống bị viêm như vậy, vòi tai cũng sẽ bị viêm sưng, rối loạn chức năng, bít tắc vòi tai rồi gây ứ mủ ở tai giữa. Tức là có sự tham gia của cả 2 nguyên nhân trên kết hợp với nhau.
3. Yếu tố thuận lợi
Trẻ em hay bị mắc viêm tai giữa cấp hơn người lớn nhờ có một số yếu tố thuận lợi:
– Trẻ hay bị viêm nhiễm vùng mũi họng hơn người lớn (viêm họng, viêm amydan, viêm mũi…)
– Vòi tai của trẻ em ngắn rộng và nằm ngang hơn nên vi trùng và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa.
– Trẻ nhỏ hay ở tư thế nằm thì tai sẽ ở vị trí thấp hơn mũi họng
– Nếu em bé khóc, vòi nhĩ sẽ mở rộng thêm làm cho các chất xuất tiết ở mũi họng theo đó chảy vào hòm tai.
4. Triệu chứng của viêm tai giữa cấp
Triệu chứng của viêm tai giữa được chia làm 3 giai đoạn theo diễn biến bệnh:
4.1 Giai đoạn xung huyết màng nhĩ
Diễn biến trong 1-2 ngày đầu.
Bệnh nhân sốt, người mệt mỏi.
Người lớn và trẻ lớn thì có cảm giác đau sâu bên trong tai, ù tai.
Trẻ nhỏ có biểu hiện lắc đầu, có thể dứt tai, quấy khóc, bỏ bú.
4.2 Giai đoạn ứ mủ
Diễn biến từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4.
Bệnh nhân sốt cao hơn, người mệt mỏ nhiều.
Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn thậm chí có thể có co giật, tinh thần vật vã kích thích… ( do kích thích màng não).
Người lớn và trẻ lớn đau tai dữ dội. Ngày một đau tăng, đau sâu bên trong theo nhịp mạch đập, bệnh nhân nghe kém kèm theo ù tai.
Trẻ nhỏ thường nằm nghiêng sang bên lành, thường xuyên đưa tay sờ tai, dứt tai, quấy khóc, bỏ bú.
4.3 Giai đoạn vỡ mủ
Từ ngày thứ 4 trở đi.
Bệnh nhân giảm hoặc hết sốt, hết rối loạn tiêu hóa.
Người lớn và trẻ lớn đỡ đau tai hẳn, nghe khá lên, hết ù tai.
Trẻ nhỏ không còn quấy khóc, ăn ngủ được.
Có mủ đặc chảy từ ống tai ra ngoài.
5. Tiến triển của viêm tai giữa cấp
Tùy từng trường hợp mà sau khi vỡ mủ sẽ để lại lỗ thủng màng nhĩ có vị trí và kích thước khác nhau:
– Trường hợp nhẹ: lỗ thủng nhỏ và ở dưới thấp, lỗ thủng do người bác sĩ trích rạch chủ động thường ở 1/4 sau dưới.
– Trường hợp nặng: lỗ thủng rộng, hoặc thủng ở trên cao.
Viêm tai giữa cấp nếu được điều trị sớm và kịp thời sẽ khỏi sau 2 tuần. Màng nhĩ sẽ tự liền lại tốt mà không để lại di chứng gì.
6. Biến chứng của viêm tai giữa cấp
Khi không được điều trị tốt, viêm tai giữa cấp có thể chuyển sang các những biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng điển hình như:
– Viêm tai giữa mạn: Tai giữa thường xuyên bị viêm nhiễm trong thời gian dài. Lỗ thủng màng nhĩ rất lâu liền hoặc không liền được gây giảm thính lực hoặc mất thính lực hoàn toàn.
– Liệt mặt: do tổn thương dây thần kinh VII. Dây thần kinh số VII chỉ cách tai giữa một màng xương mỏng.
– Viêm màng não: do hệ mach máu ở tai giữa có liên quan chặt chẽ tới hệ mạch màng não.
– Biến chứng chứng khác: Viêm tai xương chũm cấp, viêm xương đá có thể dẫn tới di chứng điếc sau này.
7. Điều trị viêm tai giữa cấp
7.1 Xử lý tại nhà khi chưa gặp bác sĩ
Khi bị viêm tai giữa cấp để đảm bảo an toàn tránh các biến chứng kể trên, tốt nhất ta nên đưa bệnh nhân tới các bác sĩ để được tư vấn và giải quyết vấn đề.
Trong trường hợp chưa gặp được bác sĩ, ta có thể áp dụng một số biện pháp nhất thời sau để cải thiện tình hình:
– Bệnh nhân sốt, đau tai có thể dùng các thuốc có tác dụng hạ sốt – giảm đau như Paracetamol, Ibuprofen. Liều dùng Paracetamol đường uống: 10 – 15 mg /kg cân nặng/ lần, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ.
– Khi sốt cao 39-40 độ (với trẻ em là trên 38 độ có nguy cơ co giật), ta có thể tiến hành kết hợp chườm ấm để hạ sốt.
– Sốt cao gây mất nước và điện giải cần bù nước và điện giải bằng cách uống nước pha Oresol.
– Các biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể để chống chọi bệnh như cho bệnh nhân uống nhiều nước, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, trú trọng bổ sung vitamin C có trong thực phẩm ( ổi, cam, dâu tây, kiwi, đu đủ, súp lơ…). Với trẻ nhỏ, cố gắng cho trẻ bú đủ sữa, không được bỏ bú.
7.2 Điều trị theo chỉ định của các bác sĩ
Điều trị toàn thân
Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ dùng các thuốc kháng sinh, chống viêm (corticoid), giảm phù nề …vv
Điều trị tại chỗ
Phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.
– Giai đoạn xung huyết: Bác sĩ sẽ không cần can thiệp tại chỗ.
– Giai đoạn ứ mủ: Bác sĩ sẽ chích rạch màng nhĩ và tiến hành lau hút khô mủ hằng ngày cùng nhỏ thuốc tai với các dạng kháng sinh có pha corticoid.
– Giai đoạn vỡ mủ: Bác sĩ sẽ lau sạch mủ ống tai ngoài, hút hết mủ qua lỗ thủng, rạch rộng thêm nếu lỗ thủng quá nhỏ. Đồng thời nhỏ thuốc tai hằng ngày với kháng sinh có pha corticoid.
Điều trị viêm nhiễm khác kèm theo
Tuyệt đại đa số viêm tai giữa cấp là do các viêm nhiễm vùng mũi họng lan đến. Ngoài việc điều trị tai, ta cần phải điều trị đồng thời cả các viêm mũi họng khác kèm theo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân