Tìm hiểu về thuốc mê tĩnh mạch
Trong quá trình gây mê, các bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc mê khác nhau, một trong số đó là thuốc mê tĩnh mạch. Vậy thuốc mê tĩnh mạch là gì?
Đại cương thuốc mê tĩnh mạch
Thuốc mê là những hoá chất khi đưa vào cơ thể với một liều lượng nhất định làm mất tạm thời ý thức, cảm giác, phản xạ của bệnh nhân, vẫn duy trì được các chức năng sống (tuần hoàn, hô hấp, chuyển hoá, bài tiết…). Các thuốc gây mê nói chung là độc, do vậy mỗi loại thuốc có liều tối đa riêng. Nếu dùng liều quá thấp sẽ không đủ mê người bệnh, nếu dùng liều quá cao sẽ gây độc bệnh nhân.
Thứ tự ức chế thần kinh trung ương của thuốc mê
Các giai đoạn của sự mê
Hệ quả:
- Nếu ngừng đưa thuốc vào thì tác dụng ức chế sẽ giảm dần, các chức năng sẽ hồi phục, bệnh nhân sẽ tỉnh dần.
- Nếu tiếp tục đưa thuốc thêm vào cơ thể sẽ gây liệt hành tủy dẫn đến tử vong.
Trong quá trình phát triển, nhiều loại thuốc mê được phát hiện và ứng dụng vào lâm sàng. Ngày nay, có loại vẫn được sử dụng, có loại không dùng nữa do chất lượng giấc mê kém, độc tính cao, có nhiều tác dụng phụ. Tuỳ theo phương thức đưa thuốc mê vào cơ thể, thuốc mê được chia thành hai loại: thuốc mê đường hô hấp và thuốc mê đường tĩnh mạch.
Đặc điểm của một loại thuốc mê tĩnh mạch lý tưởng:
- Tác dụng nhanh
- Tác dụng ngắn
- Ít chuyển hóa
- Chuyển hóa ít phụ thuộc vào ch/năng gan thận
- Không tương tác với thuốc khác
- Không thay đổi tác dụng theo lứa tuổi
- Dễ sử dụng, dễ chuẩn bị, dễ tiêm, dễ tiêm nhắc lại, dễ chỉnh liều, dung dịch pha chế ít bị hỏng, dễ bảo quản, giá thành thấp
- Không hoặc ít có tác dụng ức chế hô hấp, tim mạch
- Không có chất chuyển hóa tích cực hoặc gây độc
- Không gây buồn nôn, nôn
- Không gây ức chế sản xuất cortisol của vỏ thượng thận
- Không tích lũy khi sử dụng kéo dài
- Không gây nghiện
- Không gây đau khi tiêm
Trong thực tế không có loại thuốc mê tĩnh mạch nào có thể đáp ứng được tất cả các yêu cầu trên. Vì vậy khi dung thuốc cần căn cứ vào từng tình trạng ca bệnh để chọn loại thuốc phù hợp nhất.
Hiện nay, người ta chia thuốc mê đường tĩnh mạch thành 2 nhóm chính:
- Nhóm barbituric: thiopental
- Nhóm không phải barbituric: propofol, ketamin, etomidat
Các loại thuốc mê tĩnh mạch
1. Thuốc mê tĩnh mạch Thiopental
Đặc tính lý hóa
Thuốc ở dạng muối sodium, bột màu vàng, đóng ống 0,5 g hoặc 1g. Khi sử dụng, thuốc được pha thành dung dịch ở nồng độ 1 – 2,5% ( Nồng độ tối đa sử dụng trong lâm sàng là 2,5% vì ở nồng độ này thuốc không gây đau khi tiêm ), pH dung dịch thuốc 2,5% khoảng 10,5 kiềm, để lâu sẽ bị phân hủy và kết tủa (thuốc ổn định trong phòng lạnh được 48 giờ, sau đó sẽ vẩn đục). Thuốc dễ tan trong lipid, tỷ lệ dầu/ nước khoảng 60/1
Dược động học
Sự gắn Protein:
Thuốc gắn với protein (chỉ gắn với albumin) khoảng 75-90%, phần còn lại của thuốc ở dạng tự do.
- Người suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng, già…, bệnh nhân bị suy giảm albumin tuyệt đối, thuốc ở dạng tự do tăng.
- Khi nồng độ thuốc quá cao, dẫn đến giảm albumin tương đối, thuốc ở dạng tự do cũng tăng.
Phân bố thuốc:
Sự khuếch tán của thuốc dựa vào: Lưu lượng tưới máu; Tính chất tan của thuốc trong tổ chức; Sự chênh lệch nồng độ giữa 2 môi trường.
Khi tiêm tĩnh mạch, thuốc được vào ngay vòng tuần hoàn, sau đó sẽ phân bố nhanh chóng vào các cơ quan tưới màu nhiều như não, tim gan thận trong những phút đầu tiên. Rồi sau đó do tính chất tan nhiều trong lipid nên thuốc sẽ dự trữ nhiều và lâu trong mô mỡ, đồng thời từ mô mỡ thuốc cũng có hiện tượng tái phân bố ngược lại vào máu.
Sơ đồ phân bố thiopental trong tổ chức
Ảnh hưởng của lưu lượng tim:
- Khi lưu tim giảm: Cơ thể ưu tiên hơn tưới máu cho não à thuốc phân bố vào não nhanh hơn
- Khi lưu lượng tim tăng: tỷ lệ tưới mãu não so với các cơ quan khác không còn cao như trước à thuốc phân bố vào não chậm hơn bình thường.
Thời gian bán huỷ: người lớn từ 5 – 12 giờ, trẻ em là khoảng 6 giờ.
Chuyển hóa thuốc chủ yếu ở gan.
Thải trừ thuốc chủ yếu qua thận, gần như tất cả ở dạng chuyển hóa của thiopental là acid thiobarbituric.
Thuốc qua hàng rào nhau thai rất nhanh.
Các yếu tố ảnh hưởng tới dược động học
- Trẻ mới đẻ và người già : T/2 tăng nhưng với trẻ em nhỏ thì T/2 giảm
- Yếu tố thai nghén: T/2 tăng ở thời kỳ mang thai
- Yếu tố nghiện rượu: Giảm nồng độ khởi đầu của thuốc, T/2 giảm à Hiện tượng nhờn thuốc
- Yếu tố béo phì: T/2 tăng
Dược lực học
Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương
Tác dụng an thần, gây ngủ, gây mê tuỳ theo liều lượng. Thuốc thấm nhanh vào não ngay sau tiêm tĩnh mạch, có tác dụng khởi mê rất nhanh; tuy nhiên thuốc lại gây tỉnh chậm.
Thuốc làm – giảm chuyển hóa, giảm tiêu thụ oxy não, giảm tưới máu não, tăng sức cản mạch não, giảm áp lực nội sọ.
Thuốc không có tác dụng giảm đau
Thuốc không ức chế trung tâm nôn
Thuốc có tác dụng chống co giật
Thuốc ức chế trung tâm điều nhiệt, gây tụt nhiệt độ
Thay đổi hoạt động điện não: tăng biên độ phối hợp với chậm tần số một khi mất tri giác, liều cao gây điện não đường đẳng điện.
Tác dụng trên hệ tuần hoàn
Thiopental gây ức chế cơ tim tùy thuộc và liều lượng sử dụng thuốc.
Thuốc gây giãn tĩnh mạch, giảm trương lực giao cảm, hạ huyết áp, cần thận trọng với bệnh nhân thiếu khối lượng tuần hoàn.
Thuốc gây mạch nhanh, tăng nhu cầu tiêu thụ oxy cơ tim. Dẫn đến nguy cơ suy vành, thiếu máu cơ tim, cần thận trọng với bệnh nhân có tiền sử mạch vành, suy tim.
Tác dụng trên hô hấp
Ức chế trung tâm hô hấp, giảm thể tích lưu thông nhiều hơn là giảm tần số thở, cuối cùng dẫn đến ngừng thở.
Không làm giảm phản xạ thanh khí phế quản ( trừ khi liều cao), có thể thấy phản xạ co thắt thanh khí phế quản khi có kích thích trong trường hợp gây mê nông.
Tác dụng trên gan
Liều thông thường không ảnh hưởng tới chức năng gan. Tuy nhiên khi dùng kéo dài sẽ gây ra cảm ứng men gan.
Tác dụng trên thận
Giảm lượng nước tiểu do kích thích sau tuyến yên và giảm lưu lượng máu qua thận.
Tác dụng trên tiêu hóa
Làm giảm trương lưc và khả năng vận động của dạ dày ruột.
Tác dụng trên mắt
Làm giãn đồng tử sau đó co nhỏ, ức chế cử động nhãn cầu, giảm áp lực nhãn cầu. Liều cao gây mất phản xạ giác mạc.
Tác dụng trên tử cung, thai nhi
Không làm thay đổi chức năng vận động tử cung
Thấm qua rau thai rất nhanh, nhưng với liều thông thường gây mê để mổ đẻ thì không gây ra suy thai.
Chỉ định
Khởi mê, duy trì mê, gây ngủ để bảo vệ não ( não thiếu oxy, tăng áp lực nội sọ)
Chỉ định đặc biệt
Bệnh nhân có tăng áp lực nội sọ
Bệnh nhân có tình trạng co giật
Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối
Thiếu phương tiện hồi sức.
Gây mê cho bệnh nhân ngoại trú.
Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
Hen phế quản
Dị ứng với thuốc
Chống chỉ định tương đối
Thiếu khối lượng tuần hoàn
Suy tim, bệnh mạch vành
Suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng
Liều sử dụng
Liều khởi mê 3 – 7 mg/kg, tiêm tĩnh mạch chậm. Thời gian tác dụng sau 0,5 -1 phút, kéo dài 15 – 30 phút.
Duy trì mê tiêm nhắc lại liều 20% – 30 % liều ban đầu ( khoảng 50 – 100 mg) tùy theo mức độ kích thích của phẫu thuật hoặc dấu hiệu thức tỉnh. ( Do nguy cơ tích lũy thuốc và thải trừ châm nên thiopental không được coi là loại thuốc tốt để duy trì mê).
Cần giảm liều ở bệnh nhân: Suy tim ( giảm 60 % liều ) , suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng, béo phì
Tai biến
Dị ứng
Cơn porphylin cấp
Tai biến tại chỗ: Tiêm dưới da, tiêp bắp gây phù nề kích thích tại chỗ tiêm. Tiêm nhầm vào động mạch gây hủy hoại mô, co thắt động mạch, hoại tử. Nếu tiêm nhầm vào động mạch thì phải điều trị bằng heparin, thuốc giãn mạch, và phong bế giao cảm vùng có thể hữu ích trong điều trị.
Buồn nôn, nôn
Tương tác thuốc
Tăng tiềm lực tác dụng ngủ bởi morphin, diazepam, neuroleptique, thuốc kháng histamine
Tăng tiềm lực tác dụng giảm tuần hoàn bởi chẹn beta giao cảm, d’tubocurarine
Tương kỵ lý hóa với các thuốc ketamin, pethidin, succinylcholin, thuốc giãn cơ không khử cực.
2. Thuốc mê tĩnh mạch Propofol
Đặc tính lý hóa
Ở nhiệt độ thường, Propofol là dung dịch không màu hoặc màu vàng rơm, rất dễ tan trong lipid với tỷ lệ dầu/nước là 40/1 ( kém hơn thiopental ).
Khi sử dụng propofol được bào chế dưới dạng nhũ dịch, bao gồm dầu đỗ tương, phophatid của trứng và glycerol. Vì vậy dung dịch này có màu trắng sữa, rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Thuốc được trình bày dưới dạng ống 10 mg/ml, pH dung dịch thuốc từ 6 – 8,5 ( có nghĩa là thuốc ở dạng ion hóa ).
Dược động học
Sự gắn protein:
Thuốc gắn với protein khoảng 98 %. Mức độ gắn không thay đổi trong trường hợp suy gan, suy thận, suy dinh dưỡng
Phân bố thuốc:
Sau khi tiêm thuốc vào tĩnh mạch, thuốc khuếch tán nhanh lên não và các cơ quan khác. Nồng độ khuếch tán trong máu đầu tiên nhanh, sau đó rất chậm. Đường biểu diễn của thuốc ở trong máu có thể phân thành 3 pha.
- Pha 1 ( T/2 alpha ) thuốc phân phối từ não tới tổ chức, thời gian nửa đời sống rất ngắn.
- Pha 2 ( T/2 beta ) tương ứng với độ thanh thải chuyển hóa, thời gian nửa đời sống từ 30 phút đến 1 giờ.
- Pha 3 ( T/ 2 gama ) thuốc từ chỗ dự trữ ở các mô mỡ trở lại vòng tuần hoàn, nửa đời sống rất dài khoảng 300 phút
Gan là nơi chuyển hóa thuốc chính, không có sự thay đổi chuyển hóa giữa gan tổn thương và gan thường.
Thận là nơi thải trừ thuốc chủ yếu, phần lớn thuốc ở dạng chuyển hóa khi ra nước tiểu.
Thuốc thấm qua hang rào rau thai khá nhanh
Các yếu tố ảnh hưởng tới dược động học:
- Trẻ em > 4 tuổi dược động học không khác người trẻ tuổi. Người già > 65 tuổi, độ thanh thải giảm so với người trẻ, nhưng thể tích phân bố giảm à thời gian bán hủy thải trừ không khác nhau giữa 2 độ tuổi.
- Người suy gan, suy thận ít có sự thay đổi dược động học so với người bình thường.
- Khi tiêm trước fentanyl, thuốc này sẽ làm giảm thể tích phân phối của propofol, nhưng không làm tăng độ thanh thải à nồng độ propofol tăng cao trong máu
Dược lực học
Tác dụng trên thần kinh trung ương
Thuốc có tác dụng gây ngủ, mất tri giác nhanh. Đồng thời cũng tỉnh rất nhanh và chất lượng tốt ( tỉnh sau khoảng 4 phút sau khi tiêm nhắc lại hoặc 20 phút sau khi truyền liên tục ).
Thuốc làm giảm tiêu thụ oxy não, giảm tưới máu não, tăng sức cản mạch não, giảm áp lực nội sọ. Tuy nhiên không làm mất tính điều hòa và đáp ứng của não với CO2.
Hầu như không có tác dụng giảm đau.
Thuốc có tác dụng chống nôn.
Một số triệu chứng như co cứng cơ, co giật có thể xuất hiện khi dùng propofol, thường gặp trong giai đoạn hồi tỉnh. Nguy cơ này tăng lên khi dùng cho bệnh nhân động kinh.
Thay đổi hoạt động điện não: Sóng nhanh ban đầu rồi sóng chậm, Các liều cao gây điện não đường đẳng điện.
Tác dụng trên hệ tuần hoàn
Giảm trương lực mạch máu cả động mạch và tĩnh mạch, giãn mạch toàn thân, giảm cả tiền gánh và hậu gang gây hạ huyết áp cả tâm thu lẫn tâm trương, nhưng chủ yếu là hạ tâm thu. Hạ huyết áp lien quan đến liều và tốc độ tiêm. Khi dung propofol làm giảm huyết áp động mạch trung bình khoảng 30% với người bình thường và có thể tới 70 – 80% với bệnh nhân thiếu khối lượng tuần hoàn trước mổ. Sự hồi phục huyết áp động mạch phụ thuộc vào tuổi tác, người già khả năng hồi phục kém hơn.
Nhịp tim có xu hướng giảm, giảm nhẹ cung lượng tim. Giảm nhẹ lưu lượng vành và tiêu thụ ô xy cơ tim, không/ ít gây ức chế cơ tim
Tác dụng trên hô hấp
Ức chế hô hấp, giảm tần số thở lẫn thể tích lưu thông, sau dẫn đến ngừng thở.
Không làm co thắt thanh khí phế quản, làm giảm phản xạ của thanh khí phế quản khi bị kích thích ( Thiopental không có tác dụng này ), việc đặt mask thanh quản hay đặt ống không dùng giãn cơ sẽ dễ dàng hơn.
Tác dụng trên gan – thận – đông máu
Thuốc không độc với gan, thận, không gây rối loạn đông máu
Tác dụng trên mắt
Làm giảm áp lực nội nhãn
Tác dụng trên tuyến thượng thận
Gây giảm tổng hợp cortisol ở tuyến thượng thận
Tác dụng trên tử cung, thai nhi
Chưa có nghiên cứu lâm sàng trên phụ nữ có thai, trẻ em dưới 3 tuổi.
Tác dụng tại chỗ
Gây đau ở vị trí tiêm tĩnh mạch. Có thể tiêm trước fentanyl hoặc một liều nhỏ lidocain (20 – 50 mg) sẽ làm giảm cơn đau.
Chỉ định
Khởi mê, duy trì mê
An thần lâu dài trong phòng hồi sức
An thần trong phẫu thuật hoặc thủ thuật ( phối hợp gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng )
Chỉ định đặc biệt
Gây mê ngoại trú
Gây mê không dùng giãn cơ ( VD gây mê đặt mask thanh quản )
Trường hợp tăng phản xạ thanh khí phế quản
Khởi mê sau đó duy trì bằng thuốc halogénés
Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối
Thiếu phương tiện hồi sức.
Dị ứng thuốc
Chống chỉ định tương đối
Động kinh chưa ổn định.
Sock, giảm khối lượng tuần hoàn.
Thận trọng ở phụ nữ có thai, trẻ em dưới ba tuổi vì chưa có nghiên cứu lâm sàng.
Thận trọng với bệnh nhân có rối loạn lipit vì dạng propofol dùng tên lâm sàng là dung dịch lipid tự nhiên.
Liều sử dụng
Khi khởi mê
Người lớn liều 1,5 – 2,5 mg/kg, tiêm tĩnh mạch chậm, tốc độ tiêm 20 – 40mg/ 10 giây. Thời gian khởi phát tác dụng sau 30 – 40 giây, tác dụng kéo dài 5 – 10 phút. Giảm liều ở bệnh nhân trên 55 tuổi, bệnh nhân giảm khối lượng tuần hoàn.
Duy trì mê
Tiêm tĩnh mạch 1/3 liều khởi mê ban đầu
Hoặc truyền bơm tiêm điện liều 4-10 mg/kg/h.
An thần ở bệnh nhân hồi sức
Liều khởi đầu 0,5 -1 mg/kg, sau đó duy trì 0,5 – 4 mg/kg/giờ. Liều cao hơn khi bệnh nhân kích thích nhiều. Không nên dùng an thần lâu dài cho bệnh nhân dưới 17 tuổi.
An thần trong phẫu thuật, thủ thuật
Nguyên tắc là dò liều, đảm bảo tình trạng bênh nhân cho cuộc phẫu thuật, thủ thuật diễn ra êm đẹp
An thần nhẹ: bệnh nhân ngủ, thực hiện các lệnh đơn giản – liều 1-3 mg /kg/h
An thần sâu: Bệnh nhân không tỉnh – liều 2,5 – 5 mg/kg/h
Cần giảm liều ở những bệnh nhân: già trên 55 tuổi, bệnh nhân giảm khối lượng tuần hoàn.
Tai biến
Dị ứng
Rối loạn lipid máu: Do dạng trình bày trên lâm sàng propofol được hòa lẫn với lipid.
Tiêm nhầm động mạch: Bệnh nhân đau dữ dội. Sau 4 giờ tất cả trở lại bình thường.
Tương tác thuốc
Tăng tiềm lực bởi fentanyl
Không có tác dụng qua lại giữa propofol và các thuốc giãn cơ
Không trộn lẫn với các sản phẩm dung dịch khác trừ Glucose 5% và Lidocain.
3. Thuốc mê tĩnh mạch Ketamin
Đặc tính lý hóa
Ketamin là một chất ít tan trong nước, dễ tan trong lipid. Dung dịch sử dụng trên lâm sàng trình bày ở dạng 1% ( 10mg/ml); 5% ( 50 mg/ml); 10% ( 100mg/ml)
Dược động học
Sự gắn protein:
Thuốc gắn với protein khoảng 12%
Phân bố thuốc:
Sự phân bố thuốc tương tự Thiopental. Khi tiêm tĩnh mạch, thuốc được vào ngay vòng tuần hoàn, sau đó sẽ phân bố nhanh chóng vào các cơ quan tưới màu nhiều như não, tim gan thận trong những phút đầu tiên. Rồi sau đó do tính chất tan nhiều trong lipid nên thuốc sẽ dự trữ nhiều và lâu trong mô mỡ, đồng thời từ mô mỡ thuốc cũng có hiện tượng tái phân bố ngược lại vào máu.
Thời gian bán thải ở người lớn 125 -160 phút, trẻ em là 80 – 120 phút
Chuyển hóa chủ yếu ở gan thành nhiều chất khác nhau
Thải trừ thuốc chủ yếu qua thận dưới dạng chất chuyển hóa
Thuốc qua hang rào rau thai dễ dàng
Các yếu tố ảnh hưởng tới dược động học:
- Thể tích phân phối ở người lớn lớn hơn trẻ em, trong khi độ thanh thải ở người lớn nhỏ hơn trẻ em dẫn đến thời gian bán thải ở người lớn lân hơn trẻ.
- Khi tiêm nhắc lại nhiều lần hoặc truyền tĩnh mạch liên tục sẽ dẫn tới hiện tượng tích lũy thuốc.
Dược lực học
Tác dụng trên thần kinh trung ương
Tùy thuộc vào liều lượng, Ketamin gây ra tình trạng “mê phân ly” do một mặt thuốc ức chế hoạt động của vỏ não và dưới đồi, một mặt lại kích thích hệ viền và hệ lưới. Biểu hiện lâm sàng: Bệnh nhân ngủ nông, hai mắt mở, đồng tử giãn, rung giật nhã cầu, tăng tiết nước bọt, chảy nước mắt, các phản xạ giác mạc, phản xạ thanh quản, phản xạ nuốt vẫn còn, tăng trương lực cơ, cọ quậy mà không liên quan đến kích thích mổ xẻ. Sau mê, bệnh nhân quên hết các sự việc xảy ra trong mổ nhưng sẽ có mơ mông, ảo giác (hay gặp ở người lớn). Có thể có loạn thần sau mổ (loạn thần tăng nếu đau sau mổ, có kích thích ánh sáng, âm thanh, tiếng ồn, loạn thần giảm nếu đã tiền mê tốt). Ketamin ảnh hưởng tới trí nhớ tùy thuộc vào liều lượng, thời gian dùng thuốc kéo dài.
Ketamin làm tăng tiêu thụ oxy não, tăng lưu lượng máu não, làm tăng áp lực nội sọ. Thuốc không làm mất tính điều hòa và đáp ứng của não với CO2, khi paCO2 giảm sẽ làm giảm nhẹ sự tăng áp lực nội sọ, khi PaCO2 tăng sẽ dẫn tới cơn tăng áp lực nội sọ.
Ketamin là thuốc mê duy nhất có tác dụng giảm đau, thuốc làm giảm đau bề mặt nhiều hơn đau sâu. Vì vậy thuốc được dùng trong mổ để giảm tiêu thụ morphin, điều trị đau với trường hợp không đáp ứng với morphin.
Ketamin không có tác dụng chống nôn
Ketamin không có tác dụng chống co giật
Thay đổi hoạt động điện não: sóng alpha mất và được thay thế bằng sóng beta.
Tác dụng trên hệ tuần hoàn
Ketamin có tác dụng tương tự như sự kích thích giao cảm:
Thuốc làm tăng cả huyết áp tâm thu lẫn tâm trương ( tăng tâm thu nhiều hơn tâm trương ), tăng áp lực động mạch phổi
Tăng nhịp tim, tăng lưu lượng tim, tăng sức tiêu thụ oxy cơ tim
Tác dụng trên hệ hô hấp
Ketamin thường chỉ ức chế hô hấp nhẹ ( ức chế nhẹ tần số hô hấp và thể tích khí lưu thông và có ảnh hưởng tối thiểu trên đáp ứng với CO2 )
Ketamin không làm mất phản xạ thanh khí phế quản, tuy nhiên trào ngược dịch dạ dày vẫn có thể xảy ra ( ketamin không phải thuốc được chọn để khởi mê cho bệnh nhân dạ dày đầy). Ngoài ra vì phản xạ đường thở còn, nên cần đề phòng nguy cơ co thắt thanh quản khi đặt ống.
Ketamin làm giãn phế quản nên dùng tốt khi khởi mê bệnh nhân hen.
Ketamin làm tăng tiết nước bọt dịch phế quản. Đặc biệt ở trẻ em cần lưu ý tắc nghẽn đường thở do dịch tiết. Khắc phục bằng cách tiền mê các thuốc chống cholinergic, khi có biểu hiện tím tái cần dùng atropine ( 0,01mg-0,02 mg/kg), theo dõi sát hô hấp, dùng các thuốc kết hợp khác.
Tác dụng trên gan – thận
Ketamin không ảnh hưởng tới chức năng gan, thận.
Suy gan thận cũng ít ảnh hưởng tới dược động học Ketamin.
Tác dụng trên mắt
Làm tăng áp lực nội nhãn, giảm phản xạ mi mắt và đồng tử, rung giật nhãn cầu, tăng tiết nước mắt
Tác dụng trên tử cung, thai nhi
Không làm thay đổi trương lực cơ tử cung.
Qua rau thai, không làm suy hô hấp tuần hoàn thai nhi.
Chỉ định
Tiền mê
Khởi mê, duy trì mê
Giảm đau trong và sau mổ
Chỉ định đặc biệt
Trường hợp khó lấy ven, có thể dùng ketamin tiêm bắp
Sock, giảm thể tích tuần hoàn.
Hen phế quản nặng
Phẫu thuật, thao tác vùng nông ( VD bỏng, thay băng…)
Thủ thuật thăm dò gây đau ở bệnh nhân già, trẻ em
Thủ thuật sản phụ khoa có giảm khối lượng tuần hoàn, co thắt phế quản.
Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối
Thiếu phương tiện hồi sức
Dị ứng thuốc
Rối loạn chuyển hóa porphylin
Tăng áp lực nội sọ, tăng áp lực nội nhãn
Đột quỵ não, phình mạch não
Suy vành, suy tim, tăng huyết áp
Tiền sản giật, sản giật
Chống chỉ định tương đối
Cường giáp ( mạch nhanh)
Nghiện rượu, nghiện ma túy
Động kinh, tâm thần phân liệt
Phẫu thuật vùng mắt
Phẫu thuật ngã ba hầu thanh quản
Liều sử dụng
Tiền mê
Phối hợp với atropin và thuốc an thần kinh hoặc benzodiazepine, liều Ketamin 2-3 mg/kg tiêm bắp
Gây mê
Khởi mê liều 2-3 mg/kg tiêm tĩnh mạch, khởi phát tác dụng sau 15 – 30 giây, tác dụng kéo dài 5 phút. Liều nhắc lại bằng ½ liều khởi mê ban đầu
Hoặc khởi mê liều 5 -10 mg/kg tiêm bắp, khởi phát tác dụng sau 2 – 4 phút, tác dụng kéo dài 15 – 20 phút. Liều nhắc lại bằng ½ liều khởi mê ban đầu
Trong gây mê trẻ em: khởi mê tiêm tĩnh mạch 2 mg/kg, bắp thịt 5 – 8mg/kg. Duy trì mê tiêm 1mg/kg đường tĩnh mạch hoặc theo dấu hiệu thức tỉnh.
Không truyền Ketamin bơm tiêm điện trong gây mê vì có thể gây tích lũy thuốc
Giảm đau
Liều bằng 1/10 liều gây mê và không có tác dụng phụ. Dùng Ketamin 0,15mg/kg, tiêm tĩnh mạch, sau đó 2-4 mcg/kg/ph bằng bơm tiêm điện
Giảm đau tĩnh mạch (PCA)
Dùng 1mg ketamine + 1mg morphine/10 phút
Tai biến
Dị ứng thuốc
Ảo giác, kích thích, rối loạn tâm thần, đôi khi có cả cơn độngkinh
Tăng tiết dịch hầu họng có thể gây tắc nghẽn đường thở
Co thắt thanh quản, hay gặp nhiều ở trẻ em
Nôn, buồn nôn có thể gặp nhưng không thường xuyên
Tương tác thuốc
Ketamin kéo dài tác dụng của cá thuốc giãn cơ không khử cực.
Thuốc chống cholinesterase làm mất tác dụng trung ương của ketamine
Benzodiazepin làm mất tác dụng rối loạn tâm thần.
Digitalic làm giảm độc thuốc
Thuốc cường thần kinh giao cảm làm tăng tác dụng co mạch và điều nhịp
4. Thuốc mê tĩnh mạch Etomidat
Đặc tính lý hóa
Etomidat là dẫn xuất của imidazole, thuốc rất tan trong lipid. Dạng trình bày trên lâm sàng: ống 10ml, nồng độ 2mg/ml hoặc ống 1ml chứa 125 mg etomidat. Các loại này có chưa dược tá propylen glycol, bảo quản ở nhiệt độ và ánh sáng thông thường.
Dược động học
Sự gắn protein:
Thuốc gắn với protein khoảng 75%, chủ yếu là albumin, tỷ lệ tự do là 25%.
Phân bố thuốc:
- Sau khi tiêm thuốc vào tĩnh mạch, thuốc khuếch tán nhanh lên não và các cơ quan giàu tưới máu khác. Nồng độ khuếch tán trong máu đầu tiên nhanh, sau đó chậm dần. Đường biểu diễn của thuốc ở trong máu cũng giống propofol có thể phân thành 3 pha.
- Pha 1 (T/2 alpha): Thuốc được phân phối nhanh đến khu vực trung tâm ( não và cơ quan giàu tưới máu). T/2 alpha rất ngắn
- Pha 2 (T/2 beta): Thuốc được phân bố ngược trở lại khu vực ngoại vi
- Pha 3 (T/2 gama): Thuốc được thải trừ dần dần ra ngoài từ các cơ quan lưu trữ thuốc nhiều và lâu (mô mỡ). T/2 gama rất lâu.
Thuốc phân hủy ở gan
Thuốc thải trừ qua nước tiểu 85% và qua phân 15%
Thuốc qua được hành rào rau thai, không gây quái thai, không thay đổi chỉ số apgar, nhưng giảm cortisol trong máu trẻ sơ sinh.
Các yếu tố ảnh hưởng tới dược động học:
- Thời gian bán hủy ở người trẻ nhanh hơn người già, đặc biệt với người già > 65 tuổi cần phải giảm liều.
- Thời gian bán hủy ở người xơ gan lâu hơn nhiều so với người khỏe mạnh, cần giảm liều ở người xơ gan.
- Mất máu, giảm thể tích tuần hoàn cũng làm tăng T/2, cần giảm liều ở đối tượng này.
Dược lực học
Tác dụng trên thần kinh trung ương
Thuốc gây ngủ rất nhanh, thời gian tác dụng gắn, phụ thuộc vào liều, tốc độ tiêm và thuốc tiền mê sử dụng. Không làm mất các phản xạ: phản xạ mi mắt ở đầu giai đoạn ngủ, phản xạ giác mạc, phản xạ thanh quản, phản xạ nuốt.
Thuốc gây co mạch não (nhưng không làm mất đáp ứng của não với CO2), giảm lưu lượng máu não, giảm tiêu thụ oxy não, giảm áp lực nội sọ.
Thuốc không có tác dụng giảm đau
Thuốc không có tác dụng chống nôn, có thể xuất hiện buồn nôn và nôn khi hồi tỉnh, chiếm khoảng 25 – 30% số bệnh nhân.
Có tác dụng chống co giật, tuy nhiên thuốc lại có thể làm kích thích ổ động kinh có từ trước, vì vậy không dùng cho bệnh nhân động kinh.
Thuốc có thể gây kích thích hưng phấn, cử động bất thường, không tự chủ, tăng trương lực cơ, ho, nấc.. khi khởi mê. Các triệu chứng này giảm khi sử dụng thuốc an thần ngắn như benzodiazepine, opioid
Tác dụng trên tuần hoàn
Giảm nhẹ huyết áp
Ít thay đổi tần số tim, tăng lưu lượng mạch vành, không thay đổi tiêu thụ oxy cơ tim, ít thay đổi cung lượng tim.
Đây là loại thuốc mê ổn định huyết động nhất
Tác dụng trên hô hấp
Ức chế hô hấp nhẹ, khả năng ức chế phụ thuộc liều lượng. Với liều thấp làm giảm thể tích thông khí, nhưng khả năng đáp ứng với CO2 vẫn còn nên gây tăng tần số thở. Với liều cao hơn sẽ làm giảm thể tích thông khí, ức chế cả đáp ứng CO2, tần số thở ít đổi. Thuốc có thể gây ngừng thở thoáng qua.
Thuốc không gây co thắt thanh khí phế quản
Tác dụng trên gan – thận
Bệnh nhân suy gan làm kéo dài T/2 của thuốc, nhưng ngược lại thuốc không làm thay đổi chức năng gan, thận ban đầu.
Tác dụng trên mắt
Làm giảm áp lực nhãn cầu
Tác dụng trên tuyến thượng thận
Ức chế bài tiết corticoid và aldosterol của vỏ thượng thận, vì vậy không dùng kéo dài.
Tác dụng với tử cung
Không làm thay đổi co bóp cơ tử cung
Tác dụng tại chỗ
Gây đau khi tiêm, xuất hiện trên 30 – 60 % số bệnh nhân
Viêm tĩnh mạch huyết khối ở nơi tiêm do dung môi propylen glycol. Tỷ lệ lên tới 30 % sau 2-3 ngày, con số này tăng lên khi thuốc được tiêm ở tĩnh mạch nhỏ ở mặt sau cánh tay.
Chỉ định
Khởi mê, duy trì mê
Chỉ định đặc biệt
Sử dụng cho các phẫu thuật ngắn, gây mê cho bệnh nhân ngoại trú.
Bệnh nhân bị hen phế quản,
Phẫu thuật tim, bệnh mạch vành, suy tim, bện van tim, tăng huyết áp
Bệnh nhân sock, đa chấn thương, giảm thể tích tuần hoàn
Bệnh nhân tăng áp lực nội sọ
Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối
Thiếu phương tiện hồi sức
Suy thượng thận
Động kinh chưa ổn định
Chống chỉ định tương đối
Suy gan
Phụ nữ có thai, trẻ em dưới 2 tuổi.
Bệnh nhân có bệnh chuyển hóa hoặc di truyền.
Liều sử dụng
Với phẫu thuật ngắn
Khởi mê: 0,25-0,4 mg/kg, tiêm tĩnh mạch chậm, khởi phát tác dụng sau 30 giây, duy trì tác dụng 4 – 6 phút.
Duy trì mê: 0,25 – 1,8 mg/kg/giờ.
Với phẫu thuật dài
Khởi mê: 0,25-0,4 mg/kg, tiêm tĩnh mạch chậm, khởi phát tác dụng sau 30 giây, duy trì tác dụng 4 – 6 phút.
10 phút đầu duy trì mê 0,1 mg/kg
Sau đó khoảng 2 giờ đầu duy trì mê liều 0,01mg/kg/phút
Sau 2 giờ duy trì mê 0,005 mg/kg/phút
Giảm liều: ở những bệnh nhân già, suy gan
Tai biến
Dị ứng thuốc
Tương tác thuốc
Các thuốc ức giảm đau họ morphin làm kéo dài thời gian bán huỷ của etomidat, Etomidat kéo dài thời gian ức chế hô hấp của morphin.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân