Tìm hiểu về cách khâu vết thương
Khâu vết thương là công việc cực kỳ quan trọng, cần độ chính xác cao để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Tùy thuộc vào vị trí và tình trạng tổn thương thì sẽ có các kiểu khâu vết thương khác nhau.
1. Vết thương và khâu vết thương
Vết thương là sự tổn thương mô mềm do chấn thương hoặc những nguyên nhân khác gây ra. Khâu vết thương là thao tác nhằm phục hồi lại những tổn thương đó.
2. Khi nào cần khâu vết thương?
“Khi nào thì bạn cần khâu vết thương?” – Câu hỏi lạ lẫm nhưng khá cần thiết và hữu ích khi bạn chẳng may có một vết thương trên cơ thể. Phản ứng đầu tiên của việc bị vết thương là bạn cần phải nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi bên cung cấp dịch vụ tại nhà để được bác sĩ thăm khám và làm thủ thuật.
Tuy nhiên, chính bản thân bạn cũng cần có kiến thức và cần biết khi nào thì một vết thương cần phải được khâu lại. Nó sẽ giúp ích cho việc bạn hiểu về vết thương của mình, đánh giá đúng mức độ để có cách chăm sóc phù hợp nhất.
Thường thì có 2 lý do chính để bác sỹ chỉ định khâu vết thương đó là đóng miệng vết thương và giảm sẹo. Mục đích của thủ thuật khâu vết thương là để thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn và ngăn ngừa nhiễm trùng, vì vết thương hở dễ bị nhiễm trùng và các biến chứng khác.
Dưới đây là những yếu tố sẽ giúp bạn đánh giá xem một vết thương có cần khâu lại hay không?
– Kích thước của vết thương
Vết thương có lớn hay không, hay chỉ là vết trầy, trượt da? Những vết thương nhỏ thường có thể tự lành nhanh chóng mà không cần khâu. Tuy nhiên, bạn nên đi khám nếu vết thương hơn 3 cm.
– Độ sâu của vết thương
Bạn cũng cần để ý tới độ sâu của vết thương. Nếu bạn có thể nhìn thấy mỡ, cơ hoặc xương, thì đây là vết thương nghiêm trọng và bạn cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ đưa chỉ định và thực hiện thủ thuật khâu vết thương.
– Vị trí của vết thương
Nếu vết thương ở khu vực hay phải kéo dãn hay bị tác động khi di chuyển, như khớp chẳng hạn, bạn cần khâu lại để tránh ảnh hưởng tới miệng vết thương, chưa kể nếu không chăm sóc đúng cách, các vết thương này có thể nặng hơn vào dây chằng hoặc gân.
– Mức độ chảy máu
Nếu vết thương không thể cầm máu, dù đã dùng các phương pháp cần thiết trong vài phút thì vết thương này cần phải khâu lại, bất kể kích thước, độ sâu hoặc vị trí của vết thương ở đâu.
– Nguyên nhân gây ra vết thương
Đây là một yếu tố quan trọng để đánh giá vết thương. Các vết thương do động vật cắn hoặc các đồ vật, dụng cụ bẩn khiến người bệnh có nguy cơ mắc bệnh dại hoặc nhiễm trùng. Trong những trường hợp này, bệnh nhân có thể cần tiêm vắc xin dại, uốn ván và kháng sinh, có thể khâu hoặc không là do bác sỹ đánh giá.
3. Chống chỉ định tạm thời khâu vết thương trong trường hợp nào?
– Bệnh nhân không hợp tác, tâm thần, say rượu,… cần sự phối hợp của các bộ phận khác.
– Vết thương phức tạp phối hợp với tổn thương xương, cân cơ,… cần sự hợp tác của nhiều chuyên khoa.
4. Thời gian khâu vết thương trong vòng bao lâu?
– Tùy theo từng loại vết thương, thời gian thực hiện thủ thuật có thể kéo dài từ 20-60 phút.
5. Các bước thực hiện khâu vết thương nói chung?
– Sát trùng vết thương bằng nước muối sinh lý NaCl 9%, dung dịch Betadin.
– Gây tê tại chỗ.
– Làm sạch vết thương, lấy bỏ dị vật kim loại, đá cát,…
– Cắt lọc, cầm máu vết thương.
– Khâu phục hồi theo từng lớp giải phẫu.
– Sát khuẩn và băng ép bên ngoài vết thương.
– Toa thuốc kháng sinh, khám viêm, giảm đau, tiêm phòng uốn ván.
6. Các kiểu khâu vết thương cơ bản
Trên thực tế có 8 kiểu khâu vết thương được áp dụng. Các kiểu khâu đó là:
– Khâu mũi rời
– Khâu mũi liên tục
– Khâu mũi đệm dọc
– Khâu mũi đệm ngang
– Khâu mũi trong da
– Khâu mũi lộn mép và khâu mũi vòng
– Khâu mũi góc
– Khâu mũi chịu lực
Mỗi một kiểu khâu lại có các thao tác kỹ thuật khác nhau. Để biết cụ thể các kiểu khâu này được thực hiện như thế nào, mời các bạn xem thêm bài viết: Các kiểu khâu vết thương cơ bản và nguyên tắc khi khâu vết thương
7. Những biến chứng có thể xảy ra nếu không điều trị vết thương?
– Vết thương chảy máu, nếu không xử lý kịp thời thì gây nguy cơ mất máu, rối loạn huyết động.
– Có thể gây chèn ép, gây ngạt nếu mảnh tổ chức trong miệng, chảy máu sàn miệng.
– Vết thương để lâu không được xử lý dẫn đến vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng và nguy cơ gây sẹo xấu khi lành.
– Chậm lành vết thương, sẹo xấu.
8. Những biến chứng có thể gặp sau khi thực hiện khâu?
– Nhiễm trùng vết thương do nhiều nguyên nhân như: Chăm sóc vết thương không tốt, còn dị vật, liên quan bệnh lý toàn thân của bệnh nhân.
– Phản ứng dị ứng với thuốc tê, thuốc sát khuẩn, chỉ khâu phẫu thuật, thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau.
– Vết thương lành thương tốt nhưng sẹo xấu, co kéo: Do vết thương trước đó nhiễm trùng, khuyết hổng mất tổ chức, dập nát nhiều,… phải cắt lọc nhiều mô, cần tiến hành sửa sẹo xấu.
9. Những điều gì cần biết trước khi khâu vết thương?
9.1 Cung cấp thông tin, tiền sử sức khoẻ cho nhân viên y tế
– Tiền sử bản thân: Đã có nằm viện dài ngày hay phẫu thuật lần nào chưa, thời gian thực hiện là khi nào.
– Bệnh lý toàn thân: Cao huyết áp, tiểu đường, hen xuyễn, bệnh lý về máu, tim mạch, xạ trị,…
– Tiền sử dị ứng: Thuốc, thức ăn,…
– Tiền sử gia đình: Cha mẹ, anh chị em ruột. Một số thông tin khác:
– Đã ăn cách đây bao lâu, hiện tại có cảm thấy đói bụng không.
– Hiện tại có mang thai, cho con bú, đang trong thời kỳ kinh nguyệt hay không (đối với bệnh nhân nữ).
– Lưu ý: Bệnh nhân nhỏ tuổi hay người lớn tuổi cần có người nhà đi cùng.
9.2 Những thông tin về phương pháp, chi phí điều trị, thực hiện cam kết điều trị
– Bác sỹ thông báo các xét nghiệm cần thiết, kích chỉ định, điều dưỡng báo chi phí và bệnh nhân tiến hành tạm ứng.
– Tùy theo mức độ của vết thương, điều dưỡng thông báo chi phí khi đã lên thuốc, vật tư và phí khâu vết thương.
– Bệnh nhân được hướng dẫn thực hiện các cận lâm sàng: chụp phim X quang, làm các xét nghiệm khác (trong trường hợp cần thiết).
– Bệnh nhân được thông báo về các yếu tố nguy cơ, tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi kết thúc thủ thuật.
– Bệnh nhân ký giấy cam kết sau khi đã nắm rõ các thông tin.
10. Những điều cần biết trong khi khâu vết thương?
– Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ được theo dõi liên tục tình trạng sức khoẻ thông qua: mạch, nhiệt độ, huyết áp,… – Bệnh nhân cần biết trước thông tin các công việc sẽ thực hiện, để chuẩn bị tâm lý tốt. – Cần tuân thủ theo y lệnh của bác sỹ, hợp tác tốt trong quá trình thực hiện thủ thuật để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.
11. Những điều cần biết sau khi khâu vết thương?
– Thực hiện uống thuốc và chăm sóc vết thương theo y lệnh của bác sỹ.
– Giữ vệ sinh vết thương, thay băng hằng ngày.
– Tránh ăn rau muống, thịt bò, thịt gà, tôm cua, hải sản,… cho tới khi vết thương lành hoàn toàn (với vết thương tạo sẹo).
– Vết thương được cắt chỉ sau 5-14 ngày. Để biết chính xác gian cắt chỉ ứng với từng vị trí khâu vết thương, mời các bạn xem thêm bài viết: Vết thương đã khâu sau mấy ngày có thể cắt chỉ được?
– Sau khi vết thương đã khô và liền hẳn, có thể sử dụng thuốc ngăn ngừa sẹo. Ví dụ: Dermatix Ultra-Gel, Scar Esthetique,…
– Khi vết thương khô, để vảy vết thương tự bong, không dùng tay bóc, không sờ, gãi nhiều khi vết thương lên da non và bắt đầu bong vảy.
– Tái khám theo hẹn hoặc khi có bất thường khác để bổ sung điều trị.
– Chích ngừa uốn ván (SAT) nếu bệnh nhân chưa được tiêm dự phòng.
– Nếu có dị ứng, các dấu hiệu nhiễm trùng cần dừng thuốc hoặc bất kỳ điều nào sau đây xảy ra thì phải đến bác sĩ ngay lập tức:
+ Sốt 38 độ hoặc cao hơn.
+ Chỗ vết thương ngày càng đau.
+ Tấy đỏ hoặc sưng phù ngày càng tăng lên.
+ Mủ hoặc dịch chảy có mùi hôi từ vết thương.
+ Vết thương sau khi khâu chảy máu nhiều hoặc chảy máu không dừng
+ Mép vết thương hở.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân