Sâu răng là gì? Các biện pháp phòng ngừa và điều trị sâu răng
Bệnh về răng miệng luôn gây ra những phiền toái dai dẳng nếu không được điều trị dứt điểm. Sâu răng là một trong những bệnh răng miệng phổ biến nhất. Vậy sâu răng là gì? các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh ra sao?
1. Sâu răng là gì?
Bệnh sâu răng là một trong những bệnh lý nhiễm khuẩn phổ biến nhất trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 80% dân số Việt Nam. Bệnh được đặc trưng bởi sự phá hủy các thành phần khoáng trong cấu trúc của răng do vi khuẩn gây ra. Điều này làm cho cấu trúc răng bị mềm đi và sụp xuống tạo thành các khoang gọi là lỗ sâu.
2. Tại sao răng lại bị “sâu”?
Bệnh do nhiều nguyên nhân kết hợp gây ra, trong đó vi khuẩn là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó là những yếu tố thuận lợi như chế độ ăn uống nhiều carbonhydrat, vệ sinh răng miệng không đúng cách, môi trường nước uống có hàm lượng Floride thấp……
3. Sự hình thành và diễn tiến của bệnh
Đầu tiên lớp đường còn sót lại trên răng (do vệ sinh không sạch sau khi ăn hoặc do một số bệnh lý) sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn – thường găp nhất là Streptococcus mutans phát triển và sinh sôi tạo thành một tổ chức màng sinh học còn gọi là mảng bám – lâu dài sẽ tạo thành cao răng.
Vi khuẩn trong mảng bám trong quá trình sống cùa chúng sẽ sản sinh ra axit làm phá hủy tổ chức khoáng của răng. Điều này gây ra các lỗ nhỏ trên men răng còn được gọi là sâu men . Giai đoạn này hoàn toàn không có các triệu trứng.
Sau khi vượt qua lớp men răng, vi khuẩn và axit có thể đến lớp răng tiếp theo, được gọi là ngà răng gây nên những cơn ê buốt khi tiếp xúc với nóng hoặc lạnh còn được gọi là sâu ngà.
Khi sâu răng tiến triển, vi khuẩn và axit tiếp tục vượt qua lớp ngà răng, xâm nhập vào lõi bên trong (tủy) gây viêm dẫn đến những cơn đau dữ dội còn gọi là viêm tủy.
Sâu răng có thể do một số chủng vi khuẩn có khả năng bám dính đặc biệt lên bề mặt răng là Streptococus mutans. Một số chủng vi khuẩn khác như Actinomyces, Lactobacillus…vv cũng được xác định có khả năng gây ra bệnh.
4. Biểu hiện của sâu răng là gì?
Ở giai đoạn sâu ngà thường có các biểu hiện:
Ê buốt, đau răng khi gặp kích thích nóng hoặc lạnh
Xuất hiện lỗ hổng trên răng
Nhuộm màu nâu, đen hoặc trắng trên bề mặt răng
Khi nặng hơn sẽ có đau răng tự phát hoặc đau xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng và đau khi cắn.
5. Các biến chứng nghiêm trọng và lâu dài
Áp xe răng
Viêm quanh thân răng
Vỡ thân răng
Gặp vấn đề về nhai
Mất răng
Trong một số ít trường hợp, áp xe răng (túi mủ do nhiễm vi khuẩn) có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.
6. Yếu tố nguy cơ dễ gây sâu răng
Thức ăn, nước uống có nhiều đường.
Thói quen ăn uống không lành mạnh,
Đánh răng không đủ.
Không cung cấp đủ Flouride cho răng (Floride là một khoáng chất tự nhiên, giúp ngăn ngừa sâu răng và khôi phục men răng).
Trẻ em, người lớn tuổi.
Người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản…vv
7. Làm sao để ngăn ngừa sâu răng?
Đánh răng 2 lần một ngày ngay sau mỗi bữa ăn bằng kem đánh răng có Floride, mỗi lần đánh tối thiểu 2 phút.
Điều chỉnh thói quen ăn uống lành mạnh.
Tránh các thực phẩm có nhiều đường như nước có ga, kẹo.
Cung cấp đủ Floride.
Khám răng định kì sáu tháng một lần.
Trám bít hố rãnh ở các răng vĩnh viễn có nguy cơ sâu
8. Phương pháp điều trị sâu răng
Cần phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Phương pháp điều trị bằng Floride: Ở giai đoạn sâu men, phương pháp điều trị bằng Floride có thể giúp khôi phục lại men răng.
Trám răng hay phục hình răng: Giúp ngăn ngừa sâu tiến triển.
Bọc răng sứ. Đối với sâu răng rộng hoặc răng bị yếu, bác sĩ có thể chỉ đinh bọc răng (bọc một lớp áo bao bọc toàn bộ thân răng).
Điều trị nhiễm khuẩn: Các bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh như Spiramycin và Metronidazole kết hợp……
Nhổ răng: Một số răng bị hỏng nghiêm trọng đến mức chúng không thể phục hồi và phải được loại bỏ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân