Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ tại Trung tâm y tế huyện Yên Lạc
Trước khi phẫu thuật, việc chuẩn bị bệnh nhân trước mổ là vô cùng quan trọng. Phẫu thuật chấn thương (mổ gãy xương, tháo phương tiện kết hợp xương), Phẫu thuật sỏi tiết niêu và Phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa là 3 kỹ thuật mũi nhọn tại khoa ngoại – TTYT huyện Yên Lạc. Bài viết sau xin hướng dẫn người bệnh và gia đình cách Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ tại Trung tâm y tế huyện Yên Lạc để cùng phối hợp thực hiện.
1. Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ chấn thương (Mổ gãy xương hoặc tháo phương tiện kết hợp xương)
Sau khi được các bác sĩ phẫu thuật tại TTYT Yên Lạc giải thích tình trạng chấn thương và quyết định mổ; bệnh nhân cần phối hợp thực hiện một số bước sau:
Bước 1:
Người bệnh cần nhịn ăn tuyệt đối từ 6 đến 8 tiếng trước khi mổ!
Khi mổ chấn thương, các bác sĩ sẽ phải gây mê hoặc gây tê; nếu đã ăn uống no sẽ có nguy cơ trào ngược thức ăn và dịch dạ dày vào phổi; điều này rất nguy hiểm cho người bệnh.
Theo khuyến cáo, thời gian nhịn ăn trước mổ với thức ăn đặc là 8 tiếng; với cháo, sữa là 6 tiếng; còn với nước lọc phải dừng uống 2 tiếng trước mổ. Bệnh nhân được hẹn mổ buổi sáng sẽ phải nhịn ăn sáng; bệnh nhân được hẹn mổ buổi chiều sẽ phải nhịn ăn trưa. Nếu bệnh nhân mệt do đói và khát sẽ được các điều dưỡng của khoa truyền dịch thay ăn uống.
Bước 2:
Người bệnh sẽ được lấy máu làm các xét nghiệm đầy đủ tại buồng tiêm; và có thể phải làm thêm các cận lâm sàng khác nếu cần như x quang, siêu âm, điện tim, cắt lớp vi tính …vv.
Bước 3:
Điều dưỡng viên của khoa sẽ hướng dẫn mượn quần áo viện, sắp xếp buồng giường cho bệnh nhân. Bệnh nhân mặc quần áo viện gọn gàng.
Bước 4:
Người bệnh sẽ được các bác sĩ gây mê thăm khám trước mổ để đề ra phương án gây mê hoặc gây tê thích hợp nhất.
Bước 5:
Bắt buộc phải có người nhà bệnh nhân ở viện để hỗ trợ và ký cam kết mổ. Trung tâm y tế huyện Yên Lạc không mổ chấn thương cho các trường hợp khi chưa có người nhà đi cùng.
Bước 6:
Tháo bỏ tất cả các tư trang, đồ trang sức trên người và cả răng giả nếu có thể tháo được; nằm nghỉ ngơi tại giường bệnh và chờ nhân viên y tế đến đón vào phòng mổ.
2. Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ sỏi tiết niệu
Khi đã có kết quả siêu âm, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và quyết định mổ sỏi; bệnh nhân cần phối hợp thực hiện các bước sau:
Bước 1:
Người bệnh cần nhịn ăn tuyệt đối từ 6 đến 8 tiếng trước khi mổ!
Khi mổ sỏi, các bác sĩ sẽ phải gây tê tủy sống hoặc gây mê; nếu đã ăn uống no sẽ có nguy cơ trào ngược thức ăn và dịch dạ dày vào phổi; điều này rất nguy hiểm cho người bệnh.
Theo khuyến cáo, thời gian nhịn ăn trước mổ với thức ăn đặc là 8 tiếng; với cháo, sữa là 6 tiếng; còn với nước lọc phải dừng uống 2 tiếng trước mổ. Bệnh nhân được hẹn mổ buổi sáng sẽ phải nhịn ăn sáng; bệnh nhân được hẹn mổ buổi chiều sẽ phải nhịn ăn trưa. Nếu bệnh nhân mệt do đói và khát sẽ được các điều dưỡng của khoa truyền dịch thay ăn uống.
Bước 2:
Người bệnh sẽ được lấy máu làm các xét nghiệm đầy đủ tại buồng tiêm. Trong trường hợp bệnh nhân đã được lấy mẫu máu 1 lần trước đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra lại; nếu chưa đủ thông tin về các chỉ số máu cơ bản thì người bệnh sẽ phải lấy mẫu thêm một lần nữa để làm xét nghiệm bổ sung.
Các cận lâm sàng khác như x quang, điện tim…vv sẽ được thực hiện nếu cần thiết cho cuộc mổ.
Bước 3:
Điều dưỡng viên của khoa sẽ hướng dẫn mượn quần áo viện, sắp xếp buồng giường cho bệnh nhân. Bệnh nhân mặc quần áo viện gọn gàng.
Bước 4:
Người bệnh sẽ được nhân viên của khoa hướng dẫn thụt tháo sạch phân trong trực tràng.
Bước 5:
Bác sĩ gây mê sẽ thăm khám bệnh nhân trước mổ để đề ra phương án gây tê hoặc gây mê thích hợp nhất.
Bước 6:
Bắt buộc phải có người nhà bệnh nhân ở viện để hỗ trợ và ký cam kết mổ. Trung tâm y tế huyện Yên Lạc không mổ sỏi tiết niệu cho các trường hợp chưa có người nhà đi cùng.
Bước 7:
Tháo bỏ tất cả các tư trang, đồ trang sức trên người và cả răng giả nếu có thể tháo được; nằm nghỉ ngơi tại giường bệnh và chờ nhân viên y tế đến đón vào phòng mổ.
3. Chuẩn bị bệnh nhân Theo dõi nghi viêm ruột thừa và Trước mổ cấp cứu ruột thừa
Khi đã được chẩn đoán là theo dõi nghi viêm ruột thừa hoặc chẩn đoán xác định chính xác là viêm ruột thừa; bệnh nhân cần phối hợp thực hiên các bước sau:
Bước 1:
Người bệnh cần nhịn ăn, nhịn uống tuyệt đối và ngay lập tức!
Khi mổ ruột thừa, các bác sĩ sẽ phải gây mê có đặt nội khí quản; nếu đã ăn uống no sẽ có nguy cơ trào ngược thức ăn và dịch dạ dày vào phổi; điều này rất nguy hiểm cho người bệnh.
Bệnh nhân cần thông báo về thời gian bữa ăn gần nhất của mình cho các bác sĩ nắm được.
Bước 2:
Người bệnh được lấy máu làm các xét nghiệm đầy đủ tại buồng tiêm. Trong trường hợp bệnh nhân đã được lấy mẫu máu 1 lần trước đó, các bác sĩ sẽ kiểm tra lại; nếu chưa đủ thông tin về các chỉ số máu cơ bản thì người bệnh sẽ phải lấy mẫu thêm một lần nữa để làm xét nghiệm bổ sung.
Bước 3:
Bắt buộc phải có người nhà bệnh nhân ở viện để hỗ trợ và ký cam kết. Trung tâm y tế huyện Yên Lạc không thể thực hiện một số kỹ thuật trên người bệnh nhân hay mổ ruột thừa cho các trường hợp chưa có người nhà đi cùng.
Bước 4:
Tùy tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân chụp cắt lớp vi tính ổ bụng có hoặc không tiêm thuốc cản quang; đồng thời các cận lâm sàng khác như x quang, điện tim, đo chức năng thông khí…vv sẽ được thực hiện nếu cần thiết cho cuộc mổ.
Bước 5:
Điều dưỡng viên của khoa sẽ hướng dẫn mượn quần áo viện, sắp xếp buồng giường cho bệnh nhân. Bệnh nhân mặc quần áo viện gọn gàng.
Bước 6:
Người bệnh sẽ được nhân viên của khoa hướng dẫn thụt tháo sạch phân trong trực tràng.
Bước 7:
Bệnh nhân sẽ được cắm dịch truyền, và dùng thuốc trước mổ theo đường tĩnh mạch.
Bước 8:
Bác sĩ gây mê sẽ thăm khám bệnh nhân trước mổ để đề ra phương án gây mê thích hợp nhất.
Bước 9:
Người bệnh tháo bỏ tất cả các tư trang, đồ trang sức trên người và cả răng giả nếu có thể tháo được; nằm nghỉ ngơi tại giường bệnh và chờ nhân viên y tế đến đón vào phòng mổ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân