Cách xử lý khi bị côn trùng cắn hoặc đốt
Côn trùng cắn hoặc đốt là tai nạn khá thường gặp trong đời sống hằng ngày. Khi bị côn trùng tấn công, tùy mức độ tổn thương sẽ có những cách xử lý khác nhau. Khi được can thiệp đúng và sớm ngay từ đầu sẽ hạn chế được những biến chứng xấu, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng do nọc độc côn trùng gây ra. Cùng tìm hiểu về cách xử lý khi bị côn trùng cắn hoặc đốt.
1. Triệu chứng của côn trùng cắn hoặc đốt
Trong hầu hết các trường hợp côn trùng cắn đốt, thường chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ tại chỗ. Chúng sẽ tự khỏi trong vài giờ mà không để lại di chứng gì.
Tuy nhiên một số ít trường hợp lại bị nặng có thể đe dọa tính mạng.
Côn trùng cắn và đốt có thể chia thành 2 nhóm: Độc và không độc. Nhóm côn trùng gây độc sẽ tiêm chất độc tố qua vòi của chúng, gây đau đớn. Trong khi côn trùng không độc cắn da để hút máu, thường gây ngứa dữ dội.
1.1 Triệu chứng của côn trùng có độc
Côn trùng có độc đốt thường gây ra cảm giác châm chích, đau, tấy đỏ và sưng tại chỗ cắn. Ngoài ra chúng chỉ gây ngứa nhẹ hoặc ngứa không đáng kể.
Một số người nhạy cảm với nọc độc của côn trùng sẽ có cảm giác đau nhói. Có thể có các phản ứng dị ứng mạnh mang tính chất toàn thân. Điển hình như nổi mề đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, co thắt khí phế quản, khó thở và nặng nhất là sốc phản vệ.
Biểu hiện của sốc là mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, chân tay lạnh, vã mồ hôi. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
1.2 Triệu chứng của côn trùng không độc
Côn trùng không độc cắn, đốt thường gây ra ít triệu chứng hơn. Tuy nhiên cường độ ngứa lại cao hơn.
Tại các vết cắn đốt có thể xuất hiện màu đỏ hoặc nốt phỏng giộp. Chỗ da này dễ bị vỡ tạo nên vết thương hở gây nhiễm trùng và sẽ lâu lành.
Một số côn trùng cắn còn có vai trò véctơ truyền bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết…
2. Xử lý sơ cứu khi bị côn trùng cắn hoặc đốt
Sau khi bị côn trùng cắn hoặc đốt, việc sơ cứu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh, giảm các diễn biến nặng sau này. Đồng thời làm tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các chuyên gia, để xử lý đúng cách khi bị côn trùng cắn hoặc đốt, ta cần thực hiện đúng theo các bước dưới đây:
Bước 1:
Bĩnh tĩnh, nhẹ nhàng lấy ngòi độc ra nếu côn trùng đốt có ngòi cắm vào bằng nhíp hoặc kim
Bước 2:
Rửa vết thương do côn trùng đốt bằng nước sạch và xà phòng. Rửa thật nhẹ nhàng giúp làm giảm nồng độ độc tố, giảm nồng độ chất tiết của côn trùng.
Bước 3:
Nếu vết đốt đau và sưng nề nhiều thì có thể tiền hành chườm đá giúp giảm đau và sưng.
3. Xử lý khi bị côn trùng cắn, đốt bằng dùng thuốc
3.1 Thuốc bôi tại chỗ
Đây là cách điều trị rất hiệu quả trong các trường hợp bị côn trùng tấn công. Một số thuốc bôi tại chỗ phổ biến trên thị trường như Phenergan, Mentholatum Remos IB, Muhi …vv
3.2 Dùng thuốc toàn thân
Nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng thuốc toàn thân cho bệnh nhân.
Các loại thuốc thường dùng:
– Thuốc giảm đau: Paracetamol, Ibuprofen
– Thuốc kháng sinh: Cephalosporin, Metronidazol…
– Thuốc chống dị ứng: Kháng histamin H2
– Thuốc chống viêm: Corticoid
– Thuốc giảm phù nề: Alpha chymotrypsin
4. Theo dõi bệnh nhân
Trong trường hợp côn trùng cắn hoặc đốt dẫn đến hiện tượng dị ứng toàn thân: nổi mề đay, phù nề môi, mắt, hầu họng, thanh quản, co thắt phế quản, khó thở và sốc phản vệ. Ta phải phát hiện sớm và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Những trường hợp còn lại, theo dõi bệnh nhân sau 2 đến 3 ngày. Nếu thấy chỗ cắn, đốt còn sưng đau nhiều, mưng mủ, chảy dịch, đây là các dấu hiệu chúng tỏ vết cắn, đốt đã bị nhiễm trùng. Khi này cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ để được thăm khám và đưa ra hướng xử trí thích hợp nhất.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân