Các mũi khâu vết thương cơ bản và nguyên tắc khi khâu vết thương
Khâu vết thương là công việc cực kỳ quan trọng, cần độ chính xác cao để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Tùy thuộc vào vị trí và tình trạng vết thương thì sẽ có các mũi khâu khác nhau. Vậy cùng tìm hiểu các mũi khâu vết thương cơ bản và nguyên tắc khi khâu vết thương.
1. Mục đích của việc khâu vết thương, khâu da
Vết thương được định nghĩa là sự mất liên tục của một phần cơ thể do bị tổn thương. Da hoặc các cơ quan bị rách, cắt, đâm thủng tạo thành vết thương hở.
Khâu vết thương là thao tác dùng chỉ phẫu thuật để áp hai mép vết thương lại với nhau. Đây thường là bước cuối cùng của một ca mổ. Khâu chỉ cũng là kỹ thuật linh hoạt nhất, ít tốn kém và được sử dụng nhiều nhất trong quá trình đóng vết mổ.
Mục đích của thủ thuật khâu là để đóng miệng vết thương bị hở rộng không thể tự hồi phục. Mũi khâu giúp vết thương sát lại với nhau; thúc đẩy quá trình liền da hoặc lành vết thương nhanh hơn; đồng thời ngăn chặn sự nhiễm trùng và các biến chứng khác do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, việc đóng miệng vết thương bằng chỉ khâu còn giúp ngăn chặn hoặc giảm sẹo sau khi vết thương lành
2. Nguyên tắc khâu vết thương
Trước khi khâu, phải đảm bảo bệnh nhân đã được vô cảm đúng mức. Không còn các dị vật lạ và mô hoại tử trong vết thương.
Hai bờ mép da phải được ráp đúng và khép kín với nhau, không chênh nhau, không bị quặp vào trong hoặc lộn ra ngoài, không được quá căng.
Khâu đúng theo từng lớp giải phẫu: cân – cơ – mô dưới da và da tương ứng với nhau. Không được để “khoảng chết” bên dưới đường khâu.
Sau khi khâu, hai mép vết khâu phải không so le nhau, không để bên thừa bên thiếu.
Nguyên tắc vô khuẩn luôn cần được đảm bảo tối đa trước và sau khi khâu.
3. Một số yêu cầu về mũi khâu vết thương
Mặc dù có nhiều sự khác biệt, thay đổi trong kỹ thuật khâu và chất liệu của chỉ khâu; việc khâu vết thương cần luôn đạt các yêu cầu sau:
– Đóng kín các khoảng chết
– Có thể chịu được lực căng tốt
– Hai mép vết thương bằng mặt và khít nhau
– Cầm được máu và ngăn được hiện tượng nhiễm trùng.
4. Các mũi khâu vết thương cơ bản trong phẫu thuật
Việc chọn lựa các phương pháp và mũi khâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: hình dáng, vị trí giải phẫu, độ dày, mức độ căng của hai mép, yêu cầu về thẩm mỹ của vết thương. Sau đây là các mũi khâu vết thương cơ bản trong phẫu thuật.
4.1 Mũi khâu rời (Interrupted sutures)
Là loại mũi khâu được sử dụng phổ biến nhất. Sau mỗi mũi khâu, chỉ được buộc lại và cắt. Kích thước các mũi khâu cách nhau từ 1 – 1.5 cm hoặc sát nhau hơn trong phẫu thuật thẩm mỹ.
Thực hiện mũi khâu rời tuy tốn thời gian nhưng chắc chắn. Trường hợp một trong các mũi khâu bị đứt thì các mũi còn lại vẫn còn đủ khả năng để giữ chắc vết thương.
Các điểm cần lưu ý khi khâu mũi rời:
Mũi khâu phải “cắn” đều hai phía vết thương
Kim khâu đi vào bề mặt da ở góc 90 độ và đi ra khỏi bề mặt da cũng như vậy
Sử dụng chỉ không tiêu, không tan để khâu. Chọn thời điểm cắt chỉ vết mổ phù hợp để đảm bảo vết thương đã lành và hạn chế sẹo.
4.2 Mũi khâu liên tục (Continuous sutures)
Còn gọi là khâu vắt, tức sau mũi khâu đầu tiên ở một mép của vết mổ. Phẫu thuật viên tiến hành cột chỉ nhưng không cắt; các mũi khâu tiếp theo được thực hiện liên tục đến mép còn lại của vết mổ. Đến cuối đường khâu thì bác sĩ cột chỉ lại một lần nữa để kết thúc.
Ưu điểm của mũi khâu liên tục là thời gian khâu nhanh và lực ép được phân bổ đều dọc theo đường khâu.
Nhược điểm là hai mép da ít bằng mặt hơn và để lại sẹo xấu hơn các mũi khâu khác. Ngoài ra còn có nguy cơ bị tuột chỉ. Khi khâu vắt, vết thương phải khô không xuất huyết tụ dịch mới khâu được.
4.3 Mũi khâu đệm dọc (Vertical mattress suture)
Hay còn gọi là mũi khâu Blair – Donati. Đây là mũi khâu được chọn lựa khi có sự căng giữa hai mép vết thương. Với mũi khâu này, hai mép da bằng mặt hơn. Tuy nhiên thực hiện cách này tốn nhiều thời gian.
4.4 Mũi khâu đệm ngang (Horizontal mattress suture)
Tạo ra lực hỗ trợ phân bố đều trên vết thương hơn. Mặc dù vậy với mũi khâu đệm nằm ngang, hai mép vết thương không có xu hướng áp sát vào nhau.
Mũi khâu này thích hợp cho những trường hợp khó ráp hai mép vết mổ chính xác với nhau như khâu da người lớn tuổi, khâu ở vùng da chùng hoặc nhão. Ngoài ra, ứng dụng của mũi khâu đệm nằm ngang còn dùng để khâu vết thương gan. Chúng có tác dụng cầm máu mặt cắt gan, không xé rách nhu mô gan.
4.5 Mũi khâu trong da (Subcuticular / Intradermal sutures)
Mũi khâu trong da hoặc mũi khâu vắt dưới da là mũi khâu liên tục được thực hiện ngay dưới lớp biểu bì. Chỉ khâu được neo ở đầu vết mổ bằng một nút thắt chỉ to hoặc bằng một mũi khâu thông thường. Sau đó, chỉ liền kim được khâu luồn liên tục dưới da để khép kín vết mổ. Ở cuối đường khâu, chỉ khâu được neo tương tự giống như ở đầu vết mổ kia.
Lợi điểm của mũi khâu trong da là không có sẹo chân chỉ. Áp dụng cho những vết mổ sạch và da vùng vết mổ không dễ bị căng kéo (mổ hạch ở cổ, mổ bướu lành ở vú, mổ thoát vị bẹn…)
4.6 Mũi khâu lộn mép và mũi khâu vòng
Được sử dụng nhiều trong khâu nối ống tiêu hoá. Với mũi khâu này, thanh mạc ống tiêu hoá được lộn vào trong, tránh được nguy cơ dính ruột sau mổ.
4.7 Mũi khâu góc
Áp dụng cho các vết thương có hình chữ V, T hay X, giúp tránh tình trạng thiếu máu nuôi ở các góc của vết thương. Thao tác mũi này xuất phát từ bề mặt da của bờ vết thương xuống lớp bì, sau đó qua lớp bì của các bờ vết thương khác và cuối cùng quay trở lại da của bờ ban đầu.
4.8 Mũi khâu chịu lực
Được sử dụng để khâu đóng các thành bụng khó, quá căng sau khi đóng (bệnh nhân béo phì, hen suyễn hay viêm phế quản mãn tính, tăng áp lực xoang bụng…) hay thành bụng khó có khả năng lành (bệnh nhân lớn tuổi hoặc bị suy giảm sức đề kháng…).
Chỉ phẫu thuật (surgical sutures) dùng để khâu mũi khâu chịu lực tốt nhất là chỉ CARELON – Nylon, TRUSTILENE – Polypropylene hoặc chỉ thép CARESTEEL – Surgical Steel.
5. Cách buộc chỉ khâu vết thương
Khi buộc chỉ trong phẫu thuật, cần lưu ý:
Nút chỉ dẹt và chắc chắn, không bị lỏng nơ chỉ. Hai đầu chỉ càng ngắn càng tốt để giảm thiểu phản ứng cơ thể đối với vật lạ
Tránh làm tổn hại đến sợi chỉ do cọ xát hai nhánh chỉ hay bởi dụng cụ phẫu thuật.
Không làm căng sợi chỉ quá mức khi buộc vì có thể gây đứt chỉ hoặc xiết đứt mô.
Không buộc chỉ quá chặt vì có thể dẫn đến hoại tử mô do máu không lưu thông được
Sau khi đã buộc nơ thứ nhất, phải giữ cho một nhánh chỉ căng ra để tránh lỏng nơ. Nơ buộc cuối cùng nên nằm theo chiều ngang.
Sử dụng nhiều nút buộc hơn đối với chỉ đơn sợi hoặc chỉ bằng chất liệu trơn để tránh bị tuột chỉ. Đối với chỉ đa sợi (chỉ CARESILK – Silk hay chỉ CARESYN – Polyglycolic Acid) thì chỉ cần khoảng 3 nút buộc là có thể đảm bảo.
Có 2 cách thắt nút chỉ:
– Nút chỉ vuông (square knot) gồm 2 nút buộc nằm trên hai hướng đối diện nhau
– Nút chỉ của “nhà ngoại khoa” (surgeon knot) gồm một nút buộc đôi được thêm vào sau nút buộc đơn để tăng ma sát lên chỉ nhằm giữ nút thắt chắc chắn hơn cho đến khi thực hiện xong nút buộc vuông.