Các loại sẹo và cách điều trị sẹo
Da là một cơ quan lớn bao bọc toàn bộ mặt ngoài của cơ thể. Cơ quan này cũng rất nhạy cảm, bất kỳ một vết bỏng, tiểu phẫu, phẫu thuật nào cũng có thể để lại vết sẹo và chúng sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Với sự phát triển của y học hiện đại và ngành thẩm mỹ hiện nay thì có nhiều cách điều trị sẹo giúp làm giảm kích thước hoặc thay đổi diện mạo của chúng. Vậy cùng tìm hiểu về các loại sẹo và cách điều trị sẹo.
1. Quá trình hình thành sẹo
Quá trình hình thành sẹo là một quá trình mà cơ thể khôi phục một khiếm khuyết trên da, chẳng hạn như vết thương, bằng cách hình thành mô sợi lấp đầy khiếm khuyết đó. Quá trình hình thành sẹo quá mức có thể ảnh hưởng về mặt thể chất, xã hội và tâm lý.
Hậu quả về thể chất bao gồm các triệu chứng mà bệnh nhân phải chịu như ngứa, cứng khớp, co thắt, đau cũng như thẩm mỹ bên ngoài. Ảnh hưởng tâm lý xã hội bao gồm sự cô lập xã hội, kỳ thị, tự kỷ, trầm cảm và lo lắng. Sẹo ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và cản trở giao tiếp xã hội, đặc biệt nếu vết sẹo lớn hoặc xuất hiện ở các vị trí dễ nhìn thấy như mặt. Các vết thương và quá trình hình thành sẹo sau đó thường xảy ra sau khi bị thương, phẫu thuật, chà sát, bỏng, và đôi khi do các bệnh lý da như mụn trứng cá hoặc nhiễm trùng da.
Các giai đoạn hình thành sẹo:
Khi chúng ta bị thương, vết thương trải qua các giai đoạn chồng chéo khác nhau để khôi phục tính toàn vẹn của da. Chúng bao gồm các giai đoạn viêm, tăng sinh và sửa chữa.
Giai đoạn viêm
Trong giai đoạn viêm (ngày 1-3), cơ thể cố gắng làm ngưng chảy máu, gọi là quá trình cầm máu, bằng cách hình thành cục máu đông với sự trợ giúp của các thành phần như tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Cũng trong giai đoạn này, một số tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính và đại thực bào đến vết thương để chống lại các vật thể lạ và mảnh vụn mô.
Giai đoạn tăng sinh
Trong giai đoạn tăng sinh (ngày 4-21), các tế bào khác nhau trên da thực hiện một số nhiệm vụ vd như các nguyên bào sợi tạo ra collagens mới, tế bào nội mô hình thành các mạch máu mới và tế bào sừng tăng sinh để bao phủ lớp da ngoài cùng là lớp biểu bì. Quá trình này gọi là tái cấu trúc, tất cả cùng hoạt động để khôi phục tính toàn vẹn của da.
Giai đoạn sửa chữa
Trong giai đoạn sửa chữa (ngày 21 đến 1 năm), một collagen khác sẽ thay thế cho loại trước đó và vết thương bắt đầu co lại, được hỗ trợ bởi các tế bào gọi là nguyên bào sợi xơ giúp thiết lập cấu trúc sẹo để tăng sức bền cho vết thương. Giai đoạn này tiếp tục trong hơn một năm. Trong quá trình chữa lành thương, vết sẹo có hình thái là một đường sẹo mịn màu da mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu bất cứ sai sót gì trong quá trình lành thương đặc biệt là trong giai đoạn cuối của quá trình, việc hình thành sẹo bệnh lý xảy ra.
2. Phân loại các sẹo thường gặp
Một vào vết sẹo trên cơ thể có thể gây mất thẩm mỹ và khiến bạn mất tự tin. Do đó, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám và chẩn đoán. Việc này sẽ giúp bác sĩ da liễu chẩn đoán loại sẹo bạn đang gặp phải và đưa ra phương pháp điều trị sẹo hiệu quả nhất. Sau đây là các loại sẹo thường gặp:
2.1 Sẹo lồi
Sẹo lồi hình thành là dấu hiệu của vết thương đang lành. Loại sẹo này thường gặp nhất ở những người có làn da sẫm màu. Ngoài ra, nếu bạn có sẹo lồi lớn ở vị trí lưng và vai nhưng không nhớ mình đã bị thương trên da thì cần thận trọng. Bởi đây có thể là dấu hiệu của ung thư da. Do đó, bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu để xác định đây chỉ là một vết sẹo lồi thường hay ung thư da. Đôi khi, bệnh ung thư da phát triển thành sẹo. Bạn có thể giảm nguy cơ ung thư da bằng cách luôn thoa kem chống nắng khi quần áo không che được vết sẹo. Để cung cấp cho bạn sự bảo vệ cần thiết, hãy luôn sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn. Bạn cũng nên tránh giường tắm nắng để giảm nguy cơ phát triển ung thư da.
2.2 Sẹo co rút
Đây là dấu hiệu của của vết thương nghiêm trọng do bị bỏng gây ra. Những vết sẹo này làm căng da, có thể làm giảm khả năng di chuyển của bạn. Sẹo co rút cũng có thể đi sâu vào trong gây ảnh hưởng đến cơ và dây thần kinh.
2.3 Sẹo phì đại
Đây là những vết sẹo lồi, có màu đỏ tương tự như sẹo lồi. Nhưng sẹo phì đại không vượt ra ngoài ranh giới của tổn thương.
2.4 Sẹo mụn
Tình trạng mụn trứng cá nặng, bị viêm nhiễm có thể nên những vết sẹo. Có nhiều loại sẹo mụn, từ sẹo rỗ sâu đến sẹo có góc cạnh. Các lựa chọn điều trị sẹo mụn trứng cá tùy thuộc vào loại sẹo mụn của bạn. Tóm lại, sẹo rất phức tạp, để được điều trị một cách an toàn và hiệu quả, bạn cần thông báo đến bác sĩ tình hình sức khỏe của bạn và loại sẹo mà bạn có.
3. Cách điều trị sẹo
Các loại sẹo khác nhau sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Tuổi tác và thời gian bạn bị sẹo cũng có thể ảnh hưởng đến các loại điều trị phù hợp nhất với bạn. Dưới đây là một số cách điều trị sẹo hiệu quả:
>> Xem thêm: Cách điều trị sẹo sau phẫu thuật
3.1 Cách điều trị sẹo tiêm steroid để giảm viêm
Tiêm corticosteroid cũng được sử dụng rộng rãi để điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại. Theo đó, bác sĩ da liễu sẽ tiêm corticosteroid trực tiếp vào vết sẹo để: – Giảm kích thước của sẹo lồi hoặc sẹo phì đại – Giảm các triệu chứng ngứa và đau Các nghiên cứu cho thấy rằng tiêm corticosteroid có thể làm giảm kích thước của sẹo từ 50% trở lên. Để có được kết quả, hầu hết mọi người cần nhiều hơn một lần điều trị. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi áp dụng tiêm corticosteroid như: sẹo có thể quay trở lại, da mỏng hơn và xuất hiện các đốm đen tại vị trí tiêm.
3.2 Áp dụng tấm gel silicon để làm phẳng vết sẹo
Các nghiên cứu cho thấy rằng các tấm gel silicone đạt hiệu quả điều trị sẹo tốt hơn so với thuốc mỡ silicone. Các tấm gel này có độ mỏng và tự dính. Bạn nên sử dụng chúng sau khi vết thương đã liền miệng. Để có được kết quả, bạn phải đắp một tấm gel mỗi ngày, thường xuyên trong nhiều tháng. Việc sử dụng tấm gel silicone ở cùng một chỗ mỗi ngày có thể gây ra tác dụng phụ như: phát ban, ngứa,…
3.3 Điều trị sẹo bằng áp lạnh (liệu pháp đông lạnh sử dụng nitơ lỏng)
Phương pháp điều trị này sẽ đóng băng vết sẹo, từ từ phá hủy mô sẹo. Các bác sĩ da liễu đã sử dụng phương pháp điều trị này trong nhiều năm nhằm giảm kích thước sẹo lồi và cải thiện tình trạng đau, ngứa, cứng và đổi màu da. Sau một lần điều trị, phương pháp áp lạnh có thể làm giảm kích thước vết sẹo từ 50% trở lên. Để giảm kích thước của sẹo hơn nữa, người bệnh cũng có thể được tiêm thuốc corticosteroid hoặc 5-FU.
3.4 Điều trị phẫu thuật cắt sẹo
Trong quá trình điều trị này, bác sĩ phẫu thuật da liễu sẽ cắt sẹo. Phẫu thuật sẹo giúp làm giảm kích thước sẹo lồi, tăng khả năng cử động của bạn nếu vết sẹo gây hạn chế cử động Mặc dù phẫu thuật khá hiệu quả nhưng nó thường chỉ là một lựa chọn khi các phương pháp điều trị trên không thành công. Vết sẹo có thể quay trở lại sau một thời gian phẫu thuật. Để ngăn ngừa tình trạng này xảy ra, bác sĩ phẫu thuật thường để lại đường viền của sẹo lồi.
3.5 Liệu pháp laser trị sẹo
Các nghiên cứu cho thấy liệu pháp laser hoặc laser nhuộm xung có thể mang lại hiệu quả cho bệnh nhân điều trị sẹo. Để mang lại cho bệnh nhân kết quả tốt nhất từ điều trị bằng laser, bác sĩ da liễu cũng có thể kết hợp tiêm thuốc corticosteroid hoặc 5-FU vào vết sẹo.
3.6 Điều trị sẹo bằng xạ trị
Các nghiên cứu cho thấy rằng xạ trị có thể đạt hiệu quả trong điều trị sẹo như: – Giảm sẹo lồi khi các phương pháp điều trị khác thất bại – Giảm ngứa và khó chịu – Giảm nguy cơ sẹo quay trở lại sau khi phẫu thuật sẹo Rất ít bệnh nhân được xạ trị vì lo ngại có thể gây ung thư nhiều năm sau đó. Các tác dụng phụ khác của phương pháp này có thể xảy ra bao gồm: xuất hiện các đốm đen, ngứa đỏ da và sưng.
Tổng kết
Sẹo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của một người đặc biệt nếu chúng nằm trên vùng dễ nhận thấy. Các biện pháp khắc phục tại nhà sẽ không thể xóa sẹo hoàn toàn. Tuy nhiên, do nguy cơ tác dụng phụ thấp nên các biện pháp này cũng có thể được sử dụng để cải thiện các vết sẹo ở mức độ nhẹ. Nếu tình trạng sẹo trung bình – nặng, nên gặp bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ để được tư vấn thêm về các cách điều trị can thiệp tối thiểu, can thiệp triệt để khác như laser, phẫu thuật, steroid, v.v..
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân