Nhiệt miệng là gì? Cách điều trị nhiệt miệng tại nhà hiệu quả
Nhiệt miệng là một trong những bệnh hay gặp về răng miêng. Nhiệt miệng mặc dù không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh nhất là khi giao tiếp hoặc ăn uống. Vậy nhiệt miệng là gì? Cách điều trị nhiệt miệng tại nhà hiệu quả được thực hiện như thế nào?
1. Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng hay có tên gọi khác là loét áp-tơ (aphthous ulcer) là một vết loét hoặc vết rộp nhỏ, có màu trắng, vàng hoặc đỏ bao quanh ở vùng miệng. Chúng phát triển trên các mô mềm trong miệng hoặc ngay trên nướu. Những vết loét này không xảy ra trên bề mặt môi và không lây lan. Thường các vết loét kéo dài 7-10 ngày và tự lành mà không để lại vết sẹo. Nếu nhiệt miệng kéo dài hơn hai tuần thì bạn cần đi khám bác sĩ.
2. Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của nhiệt miệng
Khi bị nhiệt miệng, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng sau:
Xuất hiện một vết loét nhỏ, hình bầu dục, có màu trắng hoặc vàng hoặc xuất hiện một vùng da đỏ gây đau trong miệng.
Có cảm giác ngứa râm ran trong miệng, đau miệng. Khi ăn thức ăn (đặc biệt là đồ mặn) sẽ cảm thấy xót, đau, khó chịu.
3. Khi nào cần gặp bác sĩ để điều trị nhiệt miệng?
Chúng ta nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu nào sau đây:
– Vết loét lớn
– Bùng phát nhiều vết loét
– Đau buốt nhiều
– Sốt cao
– Tiêu chảy
– Phát ban
– Đau đầu.
4. Nguyên nhân nhiệt miệng
Nguyên nhân dẫn đến nhiệt miệng theo quan điểm dân gian là do bị nóng trong người hoặc ăn đồ nóng quá nhiều.
Theo y học hiện đại, có nhiều yếu tố được cho là có liên quan đến sự phát triển của vết loét. Chúng bao gồm:
– Hệ thống miễn dịch suy yếu
– Tổn thương miệng: do đánh răng quá mức, các tai nạn khi chơi thể thao, vô tình tự cắn vào má bên trong miệng…
– Dị ứng với thực phẩm như cà phê, sô cô la, phô mai, các loại hạt và trái cây có múi
– Dinh dưỡng kém: Thiếu hụt lượng vitamin B-12, kẽm, folate (axic folic) hoặc sắt
– Do virus và vi khuẩn: Ví dụ Helicobacter pylori ( Vi khuẩn HP ) – vi khuẩn gây loét dạ dày tá tràng
– Căng thẳng tâm lý ( Stress )
– Thay đổi nội tiết tố (kinh nguyệt) và nhiều nguyên nhân khác
5. Cách điều trị bệnh nhiệt miệng tại nhà hiệu quả
Thông thường nhiệt miệng sẽ tự lành sau 7 -10 ngày mà không cần phải điều trị gì. Tuy nhiên nếu tình trạng nặng lên khiến ta cảm thấy đau quá mức, khó chịu thì có thể áp dụng một vài phương pháp sau:
5.1 Pha nước súc miệng tại nhà
Pha một thìa cà phê muối nở (baking soda), 2 muỗng nước ép lô hội (nha đam) vào 1/2 cốc nước ấm. Nhấp một ngụm nhỏ và súc miệng trong ít nhất 10 – 15 giây. Lặp lại đến khi hết nước súc miệng và không được nuốt. Thực hiện một lần mỗi ngày đến khi khỏi bệnh.
Công thức đơn giản và hiệu quả này gần như là một loại thuốc nhiệt miệng, chắc chắn sẽ giảm viêm và giảm đau nhanh chóng.
5.2 Áp dụng phương pháp chườm lạnh
Đá lạnh có tác dụng giảm đau và sưng. Nên đặt viên đá nhỏ lên vết nhiệt miệng sẽ làm dịu cơn đau và viêm khiến ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
5.3 Dùng thuốc điều trị nhiệt miệng
Thuốc bôi tại chỗ
Bạn có thể dùng một số loại thuốc bôi tại chỗ để điều trị bệnh. Các sản phẩm hiệu quả nhất hiện nay như thuốc bôi Kamistad Gel N, Oracortia, Emoflour, Gengigel, Mouthpaste, Orrepaste, Mandarin, Zytee RB…vv
Xem thêm: Các loại thuốc điều trị nhiệt miệng tốt nhất hiện nay.
Thuốc uống toàn thân
Thuốc uống toàn thân điều trị nhiệt miệng chỉ được sử dụng khi được các bác sĩ thăm khám đánh giá tình trạng và ra chỉ định.
Một số thuốc có thể dùng như:
– Thuốc kháng sinh: VD Biseptol (cotrimoxazol), Spiramycin, Metronidazole, …
– Thuốc chống viêm: Các dạng thuốc của corticoid.
– Thuốc giảm đau: Paracetamol …
– Thuốc chống dị ứng: Kháng histamine H2.
5.4 Chế độ dinh dưỡng
Bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như sắt, acid folic, vitamin B6, vitamin B12, kẽm…vv.
Trong những ngày bị nhiệt miệng không nên ăn đồ cay nóng các món nướng và rán. Những món ăn này sẽ làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
6. Các biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng
Nhiệt miệng tuy gây đau đớn, khó chịu nhưng cách phòng ngừa không khó. Để ngăn ngừa nguy cơ nhiệt miệng, ta cần thực hiện tốt một số việc sau:
Tránh làm tổn thương niêm mạc miệng khi đánh răng hay ăn uống
Làm việc và nghỉ ngơi điều độ để tránh strees
Vệ sinh răng miệng tốt để tránh viêm nhiễm niêm mạc miệng, họng. Súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý hằng ngày.
Đảm bảo đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nên ăn các món luộc, rau, củ, quả và trái cây… Hạn chế ăn đồ xào, cay nóng, nhiều dầu mỡ. Uống nhiều nước, bổ sung vitamin bằng các loại rau quả tươi.
Nếu bị nhiệt miệng nặng, gây đau đớn nhiều hoặc tái phát nhiều lần cần phải đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị dứt điểm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân