TTYT Yên Lạc phẫu thuật cấp cứu sỏi niệu quản 2 bên

Bệnh nhân N.T.T nữ 48 tuổi, Thị trấn Yên Lạc vào viện ngày 13/4/2022 do đau mạn sườn. Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng; bệnh nhân được các bác sĩ Khoa ngoại – Trung tâm y tế Yên Lạc chẩn đoán Sỏi niệu quản 2 bên và có chỉ định cấp cứu nội soi tán sỏi. Dưới sức mạnh của sóng laser từ máy tán Sphinx Jr 100W; 2 viên sỏi ở 2 bên niệu quản nhanh chóng vỡ vụn và được bơm rửa ra ngoài. Sau cuộc mổ bệnh nhân tỉnh táo, thể trạng tốt, chức năng thận được phục hồi.

Hình ảnh sỏi niệu quản phải trên phim Cắt lớp vi tính ổ bụng
Hình ảnh sỏi niệu quản trái trên phim Cắt lớp vi tính ổ bụng
Các Bác sĩ TTYT Yên Lạc nội soi tán sỏi
Máy tán sỏi laser Sphinx Jr 100W
2 Sonde JJ được đặt ở 2 niêu quản sau mổ

1. Sỏi niệu quản là gì?

Niệu quản là ống rỗng duy nhất dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang, dài khoảng 25-28 cm. Nó nằm ở sau phúc mạc, dọc hai bên cột sống thắt lưng và ép sát vào thành bụng sau. Sỏi niệu quản là sỏi nằm trong ống niệu quản; chúng có thể gây tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn nước tiểu; từ đó gây tổn thương thận ở nhiều mức độ khác nhau.

2. Sự nguy hiểm của sỏi niệu quản 2 bên

Tạo hóa tạo ra con người với hai quả thận và 2 niệu quản tương ứng. Khi có một vấn đề làm tê liệt chức năng của một bên thận niệu quản thì chỉ cần bên thận niệu quản còn lại hoạt động tốt thì vẫn có thể đảm bảo nhu cầu lọc máu bình thường của cơ thể. Người chỉ có một thận vẫn sinh hoạt và lao động khỏe mạnh.

Chính vì vậy nếu sỏi niệu quản chỉ ở một bên thì ít gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe chung của toàn cơ thể. Tuy nhiên nếu sỏi làm bít tắc 2 bên niệu quản cùng lúc thì mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác. Tất cả nước tiểu sản xuất ra sẽ bị chặn lại; cả 2 quả thận sẽ không còn hoạt động chức năng. Bệnh nhân sẽ rơi vào bệnh cảnh suy thận cấp và diễn tiến nhanh chóng. Toàn trạng suy sụp nhanh.

Sỏi niệu quản 2 bên là một chỉ định phẫu thuật cấp cứu tiết niệu; giải quyết càng sớm càng tốt nhằm cứu vãn chức năng thận.

3. Nguyên nhân gây sỏi niệu quản

Theo thống kê có ~80% sỏi niệu quản là do sỏi thận rơi xuống và 20% là hình thành tại niệu quản. Nguyên nhân cũng giống với nguyên nhân gây sỏi thận, trong đó phải kể đến:

Hậu quả của một số bệnh lý gây tăng tạo sỏi như: Gút; bệnh tuyến giáp – tuyến cận giáp; lao; rối loạn chuyển hóa canxi; bệnh lý về xương, tăng hủy xương…

Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Thói quen uống ít nước, hay nhịn tiểu; lười vận động; ăn uống bổ sung quá dư thừa Vitamin C…

Do dị dạng, bất thường giải phẫu tại niệu quản làm tăng nguy cơ ứ đọng nước tiểu, tạo sỏi. Các bất thường giải phẫu hay gặp như: hẹp niệu quản; niệu quản đôi; niệu quản phình to; niệu quản đi sau và bắt chéo tĩnh mạch chủ dưới, polyp niệu quản…

Một số trường hợp sỏi hình thành tại niệu quản sau những can thiệp trên đường niệu quản.

Một số yếu tố chưa rõ ràng khác mang tính cơ địa, yếu tố vùng miền, gia đình…

4. Các đối tượng dễ mắc sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản nói riêng, sỏi tiết niệu nói chung là bệnh lý phổ biến ở Việt Nam, cứ khoảng 10-12 người thì lại có 01 người bị sỏi đường tiết niệu và cứ khoảng 10 người bị sỏi đường tiết niệu thì có đến 5 người bị sỏi tái phát trong vòng 5 năm.

Nam giới có tỷ lệ mắc sỏi cao hơn nữ giới

Những trường hợp làm việc trong môi trường nóng bức thường xuyên. Cơ thể thường thoát nhiều mồ hôi, nước tiểu thường cô đặc hơn so với người thường… Đây chính là một yếu tố thuận lợi thúc đẩy việc lắng đọng tạo sỏi.

Những đối tượng hay ngồi nhiều, ít uống nước hay nhịn tiểu thường xuyên… Ví dụ như nhân viên văn phòng, lái xe… là các đối tượng dễ mắc bệnh.

Những đối tượng sinh sống ở các vùng núi đá vôi, nước uống có nhiều tinh thể, canxi…

Những đối tượng mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như: Gút, bệnh lý tuyến giáp – tuyến cận giáp…

Những đối tượng hạn chế vận động như: các trường hợp bị yếu liệt; các trường hợp bị chấn thương, giảm, mất vận động

Những đối tượng có bất thường trên đường tiết niệu: Hẹp niệu quản, niệu quản đôi; niệu quản bắt chéo sau tĩnh mạch chủ dưới…

Những trường hợp có bất thường về đường tiểu, gây tiểu khó: U phì đại tuyến tiền liệt; hẹp niệu đạo; xơ cứng cổ bàng quang…

5. Triệu chứng của sỏi niệu quản

Có khoảng 80% là do sỏi thận rơi xuống, khi sỏi thận rơi xuống niệu quản gây tắc nghẽn một phần quá trình bài niệu, làm căng đột ngột phía trên sỏi gây ra cơn đau quặn thận. Bệnh nhân sẽ thấy đau dữ dội từng cơn vùng mạn sườn, đau lan xuống phía bẹn theo đường đi niệu quản.

Ngoài ra có thể có một số triệu chứng kèm theo như:

– Đái máu: có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc bằng xét nghiệm.

– Đái rắt, đái buốt thường gặp sỏi ở niệu quản sát bàng quang.

– Người bị bệnh còn có thể có sốt, tiểu đục khi có nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Nếu sỏi hai bên hoặc sỏi thận một bên và sỏi ở niệu quản một bên thì nhanh chóng ảnh hưởng toàn thân, gây urê máu cao, thiểu niệu hoặc vô niệu.

Khoảng 20% sỏi niệu quản hình thành tại niệu quản – thường sẽ không có triệu chứng cơn đau quặn thận. Số này chỉ được phát hiện tình cơ khi đi khám siêu âm kiểm tra sức khỏe; hoặc đi khám bệnh lý khác phát hiện ra.

6. Các biện pháp chẩn đoán sỏi niệu quản 2 bên tại Trung tâm y tế huyện Yên Lạc

Siêu âm ổ bụng

Siêu âm thường là cận lâm sàng đầu tay để giúp chẩn đoán bệnh. Sỏi được xác định bằng hình ảnh tăng âm kèm bóng cản trên đường đi tương ứng của niệu quản.

X-quang hệ tiết niệu

Cùng với siêu âm ổ bụng thì chụp x-quang hệ tiết niệu là cận lâm sàng quan trọng. X-quang dễ thực hiện giúp bác sĩ có được những thông tin quan trọng về vị trí, kích thước, số lượng, hình thái viên sỏi.

Xét nghiệm máu

Công thức máu, sinh hóa máu nhằm đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn, chức năng thận…

Xét nghiệm nước tiểu

Đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, một số thông số nước tiểu khác

Cắt lớp vi tính hệ tiết niệu

Đây là phương pháp cận lâm sàng hiện đại và chính xác nhất. Có thể áp dụng trong mọi trường hợp sỏi. Hữu dụng nhất trong trường hợp sỏi nhỏ, sỏi không cản quang, hoặc những trường hợp suy thận creatinin máu tăng cao không chụp được UIV thì chỉ định chụp cắt lớp vi tính không có thuốc cản quang.

7. Lời khuyên quan trọng dành cho bệnh nhân bị sỏi niệu quản

Trong quá trình thực hành lâm sàng, chúng ta gặp rất nhiều những tình huống có thái độ xử trí chưa đúng, dẫn tới những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người bệnh.

Thứ nhất: Cơn đau do sỏi niệu quản không phải cái nguy hiểm mà sự tắc nghẽn mới là điều nguy hiểm.

Nhiều bệnh nhân sau khi được dùng thuốc giảm đau thấy hết đau – nghĩ rằng mình đã hết sỏi, không đi khám lại, không kiểm tra lại; tình trạng tắc nghẽn vẫn còn và gây giảm chức năng thận từ từ. Nên nhớ rằng, cơn đau do sỏi gây ra chỉ là do sự tắc nghẽn “đột ngột”, gây căng bao thận gây đau. Còn những trường hợp sỏi hình thành tại niệu quản, sỏi không triệu chứng… sự tắc nghẽn chỉ diễn ra từ từ, bệnh nhân không đau nhưng ở niệu quản vẫn có sỏi, vẫn làm giảm chức năng thận âm thầm.

Thứ hai: Không phải sỏi càng to thì càng nguy hiểm!

Không ít người bệnh và cả gia đình người bệnh có suy nghĩ rằng sỏi càng to thì càng nguy hiểm. Thực tế không phải vậy. Cái nguy hiểm vẫn là do bị tắc nghẽn, làm giảm chức năng thận dần dần rồi mất chức năng thận. Vì vậy sự ảnh hưởng của viên sỏi đến sự bài niệu của thận mới là điều cần quan tâm. Có những trường hợp sỏi lớn, nhưng nước tiểu vẫn lách qua, thận ít bị tắc nghẽn… Có trường hợp sỏi nhỏ trên nền hẹp niệu quản, thận bị tắc nghẽn nhiều hoặc hoàn toàn dẫn tới giảm chức năng nhanh chóng.

Thứ ba: Thuốc đông y có tốt như quảng cáo?

“Tôi thấy người này, người kia dùng thuốc ra được sỏi nên tôi cũng muốn dùng thuốc…”

Thực tế tình trạng sỏi của mỗi người là khác nhau. Các bác sĩ cần khám và đánh giá kỹ tình trạng viên sỏi, sự ảnh hưởng của viên sỏi đến quả thận… từ đó mới đưa ra quyết định điều trị tốt nhất.

Bản chất của thuốc đông y hay thực phẩm chức năng là rất tốt. Chúng có thể bài sỏi hoặc tống những viên sỏi nhỏ ra ngoài. Tuy nhiên nếu dùng không đúng cách sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Nhiều bệnh nhân vì quá tin vào thuốc đông y mà không khám và kiểm tra lại định kỳ; những viên sỏi lớn hoặc hẹp niệu quản không thể nào dùng thuốc mà ra được sỏi. Sỏi gây tắc nghẽn âm thầm trong một thời gian dài. Khi phát hiện thường khá muộn màng, chức năng thận khó hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Tin liên quan