Tình hình nhiễm giun và tác hại
Theo kết quả điều tra của Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương, tỷ lệ nhiễm giun trên cả nước trong những năm qua vẫn ở mức cao. Tỷ lệ nhiễm giun ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc trung bình khoảng 65%, Đồng bằng sông Hồng khoảng 41%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 26%, Tây Nguyên 28%, Đông nam bộ khoảng 13% và Đồng bằng sông Cửu Long 10%. Đối tượng nhiễm giun cao là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ tuổi sinh sản. Đặc biệt là trẻ em từ 12 đến 24 tháng tuổi có tỷ lệ nhiễm giun cao tại các tỉnh như Quảng Trị 27% đến 47,5%, Điện Biên 33,2%, Kon Tum 22,6%, Lai Châu 23,5%, Yên Bái 19,2%.
Trong 10 năm qua hoạt động phòng chống giun sán đã đạt được kết quả khích lệ như giảm tỷ lệ nhiễm giun, giảm được cường độ nhiễm và giảm được tác hại của bệnh giun tới người bệnh và cộng đồng. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm giun ở nhiều địa phương còn cao. Các loại giun đường ruột ở người chủ yếu gồm giun đũa, giun tóc và giun móc. Đây là những loại giun rất phổ biến ở Việt nam. Người bị nhiễm giun truyền qua đất là do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm, qua rau sống, qua bàn tay bẩn, qua nước uống. Đối với giun móc ấu trùng xâm nhập xuyên qua da vào cơ thể và gây bệnh cho người. Các biểu hiện thường gặp khi bị nhiễm giun như gầy yếu, da xanh, hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, ăn uống khó tiêu, bụng chướng, chậm lớn. Các bệnh do giun gây nên nhiều tác hại như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, thiếu máu, suy dinh dưỡng, gầy yếu chậm lớn ảnh hưởng tới sự phát triển cả về trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng lao động, gây ra các biến chứng tắc ruột, giun chui vào rột thừa gây viêm, giun chui ống mật gây viêm đường mật, có thể gây tử vong…
Để phòng nhiễm giun các bạn hãy thực hiện tốt một số lời khuyên sau đây:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân
- Luôn giữ đôi bàn tay sạch, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi đùa, tiếu xúc với đất và sau khi đi vệ sinh. Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không mút tay.
- Luôn đi giày, dép, không đi chân đất, không ngồi lê la trên đất.
- Ăn uống đảm bảo vệ sinh ăn chín uống sôi, không ăn rau sống, không uống nước lã.
Đảm bảo vệ sinh môi trường:
Xây dựng, bảo quản, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không dùng phân tươi bón ruộng và cây trồng, không phóng uế bừa bãi ra môi trường, đổ phân đúng nơi quy định, ủ phân đúng theo quy trình đảm bảo đủ thời gian 6 tháng. Thường xuyên vệ sinh trường lớp, nhà cửa sạch sẽ. Sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nguyễn Thị Thanh
TTYT huyện Yên Lạc