Cách điều trị và chăm sóc vết bỏng tại nhà
Bỏng là tai nạn khá thường gặp trong đời sống hằng ngày. Việc điều trị và chăm sóc tốt mang ý nghĩa quyết định trong quá trình phục hồi. Sau đây là cách điều trị và chăm sóc vết bỏng tại nhà.
1. Bỏng là gì?
Bỏng là tổn thương do tác dụng trực tiếp của các yếu tố vật lý (nhiệt, bức xạ, điện…) hoặc yếu tố hoá học (acid, kiềm…) gây ra trên cơ thể. Da là bộ phận tổn thương nhất khi bị bỏng. Kế đến là các lớp sâu dưới da (gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh) và một số cơ quan nội tạng (đường hô hấp, ống tiêu hoá, bộ phận sinh dục…).
Bỏng có thể làm thay đổi cấu trúc, rối loạn chức năng vùng bị tổn thương. Nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời cho nạn nhân.
Khi bị bỏng, việc sơ cứu kịp thời là hết sức quan trọng. Ngoài ra cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, cấp độ bỏng để có phương pháp điều trị chăm sóc hiệu quả, tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bỏng:
Bỏng do nhiệt
Bỏng nhiệt là loại tổn thương bỏng hay gặp nhất trong đờ sống và sinh hoạt. Bao gồm nhiệt khô và nhiệt ướt:
– Bỏng nhiệt khô xuất phát từ: bàn là, bô xe máy, cháy nổ bình ga, hoả hoạn…
– Bỏng nhiệt ướt có nguyên nhân từ: nước sôi, hơi nước nóng…
Bỏng do điện
Ðiện giật hoặc sét đánh có thể gây bỏng rất sâu. Một số bệnh nhân bị bỏng điện có thể cũng bị ngừng tim do dòng diện đánh vào tim.
Bỏng do hoá chất
Bỏng do vôi tôi, a xít, kiềm mạnh hoặc i ốt, phospho dùng trong công nghiệp.
Bỏng do tia bức xạ
Bức xạ mặt trời, tia laser, tia hồng ngoại, tử ngoại, tia X, tia phóng xạ (gama, bêta).
2. Có thể điều trị bỏng tại nhà được không?
Để quyết định bệnh nhân có thể điều trị bỏng tại nhà hay phải đến bệnh viện, ta cần đánh giá chính xác Độ sâu của bỏng và Diện tích bỏng.
2.1 Phân độ sâu của bỏng
Các chuyên gia chia bỏng làm 5 độ theo Giáo sư Lê Thế Trung. Tuy nhiên dưới góc độ y học thường thức hướng dẫn cho tất cả mọi người dân đều biết, bỏng được chia làm 4 độ. Độ càng tăng thì tổn thương do bỏng càng nhiều.
Độ 1: Bỏng bề mặt
Trường hợp này chỉ lớp ngoài cùng da bị tổn thương làm cho chỗ da bị bỏng đỏ, rát, 2 – 3 ngày thì tự khỏi và không để lại sẹo. Hay gặp bỏng bô, bỏng nắng, bỏng nước sôi chỗ không có quần áo.
Độ 2: Bỏng một phần da
Trường hợp này thì sẽ xuất hiện các bóng nước, nếu vết bỏng được giữ không bị nhiễm trùng thì có thể lành mà không để lại sẹo. Khỏi sau 10 – 14 ngày. Hay gặp bỏng nước sôi chỗ có quần áo.
Độ 3: Bỏng toàn bộ các lớp da
Toàn bộ các lớp da đều bị tổn thương bao gồm cả lỗ chân lông và tuyến mồ hôi. Khi bị bỏng toàn bộ các lớp của da thì vết bỏng rất dễ bị nhiễm trùng, thời gian lành lâu và sẽ để lại sẹo. Thường gặp bỏng do xăng, a xít, bỏng điện.
Độ 4: Bỏng ăn sâu vào các lớp dưới da
Tác nhân gây bỏng phá huỷ hết da, bỏng ăn tới tận cơ, xương, cả một vùng của chi bị cháy đen. Thường gặp do điện cao thế, sét đánh, cháy nhà.
2.2 Cách tính diện tích bỏng
Tính diện tích bỏng theo hình vẽ:
Tương ứng với từng vị trí, ta có thể tính được tỷ lệ phần trăm da bị bỏng trên tổng diện tích da toàn cơ thể.
Ví dụ: Nạn nhân bị bỏng toàn bộ mặt trước cẳng tay phải + mặt sau cẳng tay phải + mặt trước bàn tay phải + mặt sau bàn tay phải. Diện tích bỏng sẽ bằng: 1,5% + 1,5% + 1,25% + 1.25% = 5,5%.
2.3 Khi nào có thể điều trị bỏng tại nhà? Khi nào cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện
Bỏng nhiệt:
Với những trường hợp bỏng nhiệt nhẹ, ta có thể điều trị bỏng tại nhà.
Tuy nhiên với những trường hợp bỏng sau đây cần đưa đến cơ sở y tế để điều trị:
– Bỏng nhiệt sâu: Bỏng độ 3, bỏng độ 4.
– Diện tích bỏng nhiệt lớn trên 10% diện tích da toàn cơ thể.
– Bỏng ở những vùng da nhẹ cảm: Da mặt, da vùng sinh dục, bỏng đường hô hấp…vv
Bỏng điện:
Do bỏng điện thường gây bỏng rất sâu, nên đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Bỏng hóa chất:
Bỏng hóa chất thường diễn biến khó lường, rất dễ tăng độ. Tốt nhất cũng nên đưa nạn nhân tới bệnh viện gần nhất để điều trị
3. Cách điều trị và chăm sóc vết bỏng tại nhà
3.1 Dùng thuốc bôi bỏng tại chỗ
Hiện nay trên thị trường và trên Internet có rất nhiều loại kem bôi “tự quảng cáo” là điều trị bỏng. Tuy nhiên đại đa số chúng bản chất chỉ là các loại thuốc trị sẹo hoặc điều trị vết thương hở nói chung chứ không phải đặc trị riêng cho tổn thương bỏng.
Theo kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên khoa, hiện có 4 loại kem bôi điều trị bỏng thông dụng và tốt nhất hiện nay. Đó là kem Sulfadiazine Bạc, mỡ Maduxin, thuốc Dexpathenol và kem Biafine. Đây là những sản phẩm uy tín, đã được kiểm chứng trên lâm sàng trong nhiều năm.
>> Xem thêm: Top 4 loại kem bôi điều trị bỏng thông dụng và tốt nhất hiện nay
Thứ tự ưu tiên dùng thuốc theo đặc điểm và độ nặng của bỏng:
– Mỡ Maduxin có thể dùng cho tất cả các độ bỏng, kể cả bỏng đã nhiễm trùng hay không.
– Kem Sulfadiazine Bạc dùng cho bỏng độ 2, độ 3, bỏng nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.
– Biafine và Dexpathenol có tác dụng hạn chế hơn 2 loại đầu. Chúng dùng cho bỏng nông độ 1, độ 2, không dùng được khi vết bỏng nhiễm trùng.
Cách băng bó vết bỏng ngày đầu:
Đầu tiên ta tiến hành hong khô vết thương.
Tiếp theo bôi một lớp kem đã chọn lên vết bỏng. Đảm bảo độ dày lớp thuốc từ 0,2 đến 0,4 mm và phủ kín vết thương.
Dùng gạc ẩm đắp lên diện tích đã được bôi thuốc rồi băng lại.
Một số điểm lưu ý:
Bôi kem đủ dày và phủ kín vết thương
Mục đính là để cho da đang bị tổn thương được ngăn cách tuyệt đối với gạc phía trên bởi lớp kem ở giữa.
Trên vết bỏng theo thời gian các tổ chức hạt mới sẽ hình thành. Khi để da và gạc tiếp xúc trực tiếp vào nhau, các tổ chức hạt mới này sẽ mọc xuyên qua những khe hở li ti của gạc gây bám dính.
Hiện tượng bám dính này làm cho việc thay băng hằng ngày bóc gạc cũ ra rất khó khăn. Bệnh nhân sẽ đau đớn nhiều và tạo ra các tổn thương mới, khiến vết thương lâu lành.
Không nên băng vết thương quá chặt
Khi băng quá chặt, sẽ vô tình phá vỡ sự ngăn cách của lớp kem bỏng ở giữa. Da đang bị tổn thương sẽ bị tiếp xúc trực tiếp với lớp gạc bên trên.
Phương pháp mới giúp khắc phục hiện tượng bám dính của gạc y tế thông thường
Băng tulle gras giúp khắc phục tình trạng này. Đây là một loại băng làm từ vật liệu đặc biệt, được tẩm thuốc, không bám dính vào bề mặt vết thương. Nó giúp duy trì độ ẩm, đẩy nhanh quá trình lành vết thương và giúp việc thay băng trở nên dễ dàng, không đau đớn.
Hãy đặt một tấm băng tulle gras lên lớp kem trị bỏng, trước khi đắp gạc y tế vô trùng lại. Nếu vết thương tiết dịch nhiều, có thể lót thêm một lớp bông trên lớp gạc y tế. Sau đó dùng băng chun băng vùng bị tổn thương. Tính từ trong ra ngoài, cần băng theo thứ tự: kem điều trị bỏng, gạc tull gras, gạc y tế vô trùng, bông và cuối cùng là băng chun.
Cách thay băng bỏng những ngày sau:
Tần suất thay băng thường là 1 lần trong 1 ngày.
Bóc nhẹ nhàng từng lớp băng bó.
Bóc đến lớp gạc y tế nếu thấy có hiện tượng gạc bám dính vết thương, khắc phục bằng cách dùng nước muối sinh lý tẩm ướt gạc và vùng bám dính. Đợi trong vòng 5 phút, sau đó nhẹ nhàng gỡ gạc ra tránh làm tổn thương thêm. Làm từ từ để bệnh nhân đỡ đau.
Dùng nước muối sinh lý cho chảy thành dòng dội rửa trôi hết lớp kem trị bỏng còn bám lại trên bề mặt. Có thể phối hợp thêm dùng gạc mềm để lau lớp kem này. Phải chú ý lau nhẹ nhàng, không làm tổn thương thêm lớp da sau bỏng phía dưới.
Để vết thương được hong khô trong vòng 10–15 phút rồi tiến hành lại các bước như hướng dẫn Băng bó vết bỏng lần đầu.
Khi nào thì dừng thay băng bỏng?
Khi phần da bị bỏng bong ra, có thể nhìn thấy một lớp da mới màu đỏ nằm ở dưới. Lớp da này sẽ dần chuyển sang màu hồng, dày dần, khô và cứng cáp. Khi này ta có thể ngừng bôi thuốc và không phải băng vết thương nữa. Cố gắng để thoáng hoặc mặc quần áo lỏng để che chắn bụi.
3.2 Dùng thuốc toàn thân điều trị bỏng tại nhà
Khi dùng thuốc cho bệnh nhân bỏng cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.
Thuốc kháng sinh
Thường dùng nhất là các thuốc kháng sinh thuốc nhóm Cephalosporin và một số nhóm khác. Tùy từng trường hợp, có thể dùng đường uống hay phải tiêm. Liều dùng cụ thể sẽ được chỉ định bởi các bác sĩ sau khi thăm khám vết bỏng.
Thuốc giảm đau
Khi bệnh nhân đau nhiều, đặc biệt trong 3 ngày đầu tiên, có thể cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau toàn thân như Paracetamol hoặc ibuprofen.
Liều dùng Paracetamol:
– Với người lớn: Có thể một ngày uống 3 viên Paracetamol 500 mg. Chia 3 lần, sáng uống 1 viên, chiều uống 1 viên, tối uống 1 viên còn lại.
– Với trẻ em uống theo liều từ 10 – 15 mg/kg cân nặng trên 1 lần dùng. Dùng các lần cách nhau ít nhất 6 tiếng.
Liều dùng Ibuprofen:
– Với người lớn: Có thể một ngày uống 3 viên Ibuprofen 400 mg. Chia 3 lần, sáng uống 1 viên, chiều uống 1 viên, tối uống 1 viên còn lại.
– Với trẻ em uống theo liều từ 5 – 10 mg/kg cân nặng trên 1 lần dùng. Dùng các lần cách nhau ít nhất 6 tiếng.
Thuốc giảm phù nề
Alpha chymotrypsin là chất giúp giảm phù nề tốt tại vết bỏng. Biệt dược phổ biến trên thị trường hiện nay là Alpha choay.
Liều dùng:
– Với người lớn: Uống 6 viên Alpha choay một ngày. Chia 3 lần, sáng uống 2 viên, chiều uống 2 viên, tối uống 2 viên còn lại.
– Với trẻ em: Liều dùng bằng một nửa người lớn, uống 3 viên Alpha choay một ngày. Chia 3 lần, sáng uống 1 viên, chiều uống 1 viên, tối uống 1 viên còn lại.
Nước và điện giải
Khi da bị bỏng sẽ gây mất rất nhiều các chất điện giải qua vết thương vì vậy việc bù nước và điện giải là cần thiết. Đặc biệt với các vết bỏng có diện tích lớn.
Cách đơn giản nhất để bù điện giải là uống nước pha oresol. Uống theo nhu cầu khi khát của bệnh nhân.
3.3 Ăn uống đầy đủ các chất
Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Trú trọng bổ sung vitamin C có trong ổi, cam, dâu tây, kiwi, đu đủ, súp lơ và vitamin E có trong củ cải, rau cải, đu đủ, xoài, hạnh nhân, kiwi, bơ. Vitamin C cần thiết cho sự tạo thành collagen, một chất sản xuất ra để làm lành vết thương. Vitamin E giúp cho vết thương chóng lành hơn ở giai đoạn sau, khi vết bỏng đã liền da.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân