Hưỡng dẫn cách băng bó vết thương hở tại nhà đúng cách
Trong sinh hoạt hằng ngày, nếu không may gặp phải các vết thương hở thì việc băng bó vết thương đúng cách là điều rất quan trọng giúp vết thương mau lành, hạn chế nhiễm trùng. Sau đây là Hướng dẫn cách băng bó vết thương hở tại nhà đúng cách nhất.
Cần làm gì trước khi băng bó vết thương?
Trước khi học cách băng bó vết thương cơ bản, bạn cần phải biết cách đánh giá sơ bộ vết thương, cách cầm máu, làm sạch vết thương… Những điều trên để tránh cho vết thương bị nhiễm trùng hoặc mất máu quá nhiều khiến nạn nhân bị choáng và ngất.
Tùy vào từng trường hợp vết thương nông hay sâu, chảy ít hay nhiều máu mà bạn có thể thực hiện các bước sau đây:
Đánh giá sơ bộ vết thương
Đây là việc đầu tiên cần làm trước bắt tay vào xử trí bất kỳ điều gì. Cần ưu tiên đánh giá những tỏn thương nặng nguy hiểm đến tính mạng lên đầu tiên. Tập trung giải quyết những tổn thương nặng trước.
Nếu nhận thấy vết thương quá to, chảy qua nhiều máu hoặc vết thương có kèm theo nhiều chấn thương khác thì nên nhanh chóng đưa nạn nhân đến viện. Không nên lãng phí thời gian vào những vấn đề nhỏ.
Vết thương động mạch máu phun thành tia thì việc cầm máu phải thực hiện đầu tiên. Vết thương có kèm gãy xương phải chú ý cố định xương gãy kèm theo. Với vết thương hở chảy máu nhỏ bạn mới có thể xử lý tại nhà được.
Vết trầy xước nông có thể chỉ cần sát khuẩn. Không cần băng bó vết thương sẽ khô nhanh hơn.
Loại bỏ quần áo ra khỏi vết thương
Thực hiện cắt bỏ lớp quần áo, tháo các phụ kiện trang sức ở vị trí vết thương chảy máu. Việc làm này giúp bộc lộ được rõ vết thương hơn trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời điều này làm cho quá trình lưu thông máu diễn ra thuận lợi khi vết thương bị sưng.
Loại bỏ mảnh vụn và làm sạch vết thương
Dùng nhíp đã sát trùng bằng cồn nhẹ nhàng gắp bỏ các mảnh vụn, chất bẩn hay các vật thể khác trên miệng vết thương. Không đưa nhíp vào quá sâu để tránh làm vết thương trầm trọng hơn.
Lưu ý: Nếu là vết đạn hoặc các mảnh vụn kích thước lớn cắm sâu vào mạch máu thì nên để cho bác sĩ tiến hành loại bỏ. Nếu tự ý rút ra không đúng cách có thể dẫn đến chảy nhiều máu hơn.
Sau đó nên làm sạch vết thương bằng dung dịch nước muối để rửa sạch các bụi bẩn, mảnh vụn cũng như vi khuẩn. Nếu không có sẵn nước muối bạn cũng có thể dùng nước lọc để thay thế nhưng vẫn cần phải đảm bảo nước được xối qua vết thương trong vòng 1 đến vài phút.
Không được sử dụng nước quá nóng để làm sạch vết thương. Nên dùng nước ấm hoặc nước mát. Có thể dùng thêm cồn i ốt để sát khuẩn.
Cầm máu
Trong trường hợp vết thương chảy quá nhiều máu thì cần cầm máu ngay trước khi áp dụng bất kỳ cách băng bó vết thương nào.
Dùng băng vải khô và sạch, ấn giữ với lực vừa phải vào vết thương. Phần lớn trường hợp máu sẽ ngừng chảy trong 10 phút hoặc chậm hơn thì chỉ rỉ trong vòng tối đa 45 phút. Nếu nghiêm trọng, bạn có thể dùng dây vải dài buộc chặt vết thương nhằm cầm máu tạm thời trước khi thực hiện băng bó.
Tuy nhiên, việc này cũng chỉ nên diễn ra trong khoảng thời gian ngắn vì mô sẽ bắt đầu hoại tử sau vài giờ nếu như không được bổ sung máu. Nếu máu vẫn cứ chảy sau 15-20 phút thực hiện cầm máu, hoặc người bị thương mắc các bệnh về máu như chứng máu loãng, máu khó đông thì phải nhanh chóng liên lạc với lực lượng y tế.
Lưu ý: Khi cầm máu cho nạn nhân nên dùng găng tay y tế để tránh trường hợp bị lây nhiễm các bệnh qua đường máu cũng như giảm thiểu khả năng truyền vi khuẩn từ bàn tay đến vết thương và ngược lại. Không nên để tay trần tiếp xúc trực tiếp với miệng vết thương. Trước và sau khi thực hiện cầm máu cần dùng xà bông và nước sạch để khử trùng tay.
Hướng dẫn cách băng bó vết thương tại nhà đúng cách
Bước 1: Tìm băng phù hợp
Tùy vào tình trạng vết thương to hay nhỏ mà bạn nên chọn băng gạc có kích thước tương ứng. Không để phần mặt trong tiếp xúc với vết thương của băng gạc chạm vào tay hay các đồ vật khác để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu không có sẵn băng y tế, có thể sử dụng bất kỳ miếng vải hoặc mảnh quần áo sạch nào để thay thế. Tránh sử dụng băng công nghiệp như băng keo thợ điện vì có thể làm rách da khi kéo ra.
Bước 2: Dán băng gạc
Đặt gạc phủ kín miệng vết thương vết thương. Có thể dùng loại gạc nhét bông ở giữa để tăng độ thấm hút.
Sau khi đắp gạc thì dùng băng dính vải y tế để dán cố định. Với những vùng cơ thể hay vận động co giãn điển hình như vị trí các khớp nên dùng băng cuộn vải để cuốn sẽ tăng phần chắc chắn.
Những vết thương cần độ ép cao thì sử dụng băng băng chun co giãn cuốn quanh. Sau đó cố định bằng kẹp kim loại hoặc ghim an toàn. Lưu ý không được quấn băng quá chặt.
Những lưu ý sau khi băng bó vết thương
Sau khi hoàn thành các bước để băng bó vết thương, bạn cũng cần chú ý một số điều sau để việc lành vết thương được thuận lợi:
– Thay băng cũ hàng ngày để giữ vết thương được sạch sẽ giúp hỗ trợ quá trình chữa lành.
– Nếu phần băng quấn đàn hồi bên ngoài vẫn sạch và khô thì có thể tái sử dụng.
– Nếu thấy băng gạc ướt dịch hãy thay nhanh chóng thay băng mới.
– Nếu vết thương kết vảy khô làm khó tháo băng, bạn có thể ngâm vết thương trong nước ấm để làm mềm lớp vảy sau đó băng sẽ dễ bóc ra hơn.
Các dấu hiệu cho thấy vết thương đang trong quá trình lành lại là giảm sưng viêm, giảm đau và đóng vảy. Phần lớn các vết thương ngoài da sẽ lành sau một vài tuần. Đối với các vết cắt sâu hoặc mất nhiều tổ chức hơn thì có thể sau một tháng.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý các dấu hiệu nhiễm trùng sau:
– Vết thương đau hơn và chảy dịch mủ vàng hoặc xanh.
– Vùng da xung quanh chuyển sang màu đỏ và ấm nóng.
– Cơ thể sốt nóng khó chịu.
Nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu nào ở trên sau khi bị thương vài ngày, hãy nhanh chóng liên lạc với bác sĩ để được chữa trị kịp thời.
Song song với việc băng bó đúng cách, nếu vết thương bị gây ra bởi vật nhiễm bẩn như đinh sắt rỉ, bạn nên thực hiện tiêm phòng uốn ván để tránh các tình huống nguy hiểm.
Băng bó vết thương là một việc tưởng chừng rất đơn giản, nhưng băng bó đúng và giữ cho các vết thương an toàn sau khi băng là điều không phải mọi người đều có thể làm tốt nếu không kĩ càng, tuân thủ đúng quy trình. Thông qua bài viết này, hi vọng mọi người sẽ trang bị được những hiểu biết cần thiết để có thể dễ dàng xử lý khi bị thương nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và người xung quanh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Luân