Điểm mới của BHYT bảo vệ quyền lợi cho người tham gia (Nhân ngày BHYT Việt Nam 01/7/2017)

         Các bạn thân mến!
       BHYT là một chính sách xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân văn, nhân đạo và chia sẻ cộng đồng sâu sắc, không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm chăm sóc sức khỏe và giúp cho người tham gia BHYT giảm được gánh nặng chi phí, vượt qua những khó khăn về kinh tế khi không may bị ốm đau bệnh tật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày   13/6/2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 với những thay đổi mang tính đột phá mạnh mẽ, trong đó có những điểm mới quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT và thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân như sau:
Một là, quy định tham gia BHYT là hình thức bắt buộc, đây là một điểm mới quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy thực hiện BHYT toàn dân theo tinh thần của Hiến pháp 2013 và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị.
Hai là, mở rộng phạm vi quyền lợi và tăng mức hưởng BHYT nhằm giảm gánh nặng và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của một số đối tượng chính sách như:
– Mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT trong điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ cho trẻ dưới 6 tuổi; Chi trả KCB BHYT cả trong các trường hợp bị tai nạn lao động; trong trường hợp tự tử, gây thương tích; KCB do tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra như tai nạn giao thông.
– Tăng mức hưởng BHYT nhằm giảm gánh nặng cùng chi trả cho một số đối tượng chính sách như: tăng mức hưởng từ 95% lên 100% cho các đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội; nâng mức hưởng từ 80% lên 100% cho đối tượng là cựu chiến binh, thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ; tăng mức hưởng từ 80% lên 95% cho các đối tượng là thân nhân khác của người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo.
Đặc biệt, Luật BHYT quy định người bệnh có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì quỹ BHYT chi trả 100%, trừ trường hợp KCB không đúng tuyến. Đây là quy định hết sức mới để bảo vệ, hỗ trợ người bệnh trước rủi ro tài chính.
Ba là, mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT và điều chỉnh mức hưởng vượt tuyến, trái tuyến
– Từ 1-1-2016 mở thông tuyến giữa xã, huyện trên cùng địa bàn tỉnh cho người tham gia BHYT. Từ 1-1-2021 mở thông tuyến tỉnh, huyện trên toàn quốc trong điều trị nội trú và nâng mức hưởng đối với người tham gia BHYT tự đi điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và Trung ương.
– Điều chỉnh mức hưởng vượt tuyến, trái tuyến như sau:
+ Quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng của từng đối tượng  theo tỷ lệ như sau: tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú; Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB.
+ Từ ngày 01/01/2021: qũy BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của từng đối tượng tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
Bốn là, khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình để đảm bảo sự chia sẻ ngay trong gia đình với cơ chế giảm dần mức đóng từ người thứ hai trở đi
Theo đó, người thứ nhất phải đóng 4,5% mức lương cơ sở (từ ngày 01/7/2017 mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng, theo đó số tiền phải đóng là 702.000 đồng/năm); người thứ 2,3,4 trở đi đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi mức đóng bằng 40% của người thứ nhất.
Ngoài chính sách giảm trừ theo Luật BHYT, UBND tỉnh hỗ trợ cho các đối tượng khi tham gia BHYT có hộ khẩu thường trú ở Vĩnh Phúc, với mức hỗ trợ như sau:
– Người thứ nhất trong hộ gia đình, học sinh, sinh viên tham gia BHYT: được hỗ trợ 20% kinh phí (bằng 140.400 đồng/năm) .
– Người cao tuổi: từ đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi: được hỗ trợ 30% kinh phí (bằng 210.600 đồng/năm); từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi: được hỗ trợ 50% kinh phí (bằng 351.000 đồng/năm);
Hồ sơ, quy trình tham gia BHYT hộ gia đình rất đơn giản, thuận tiện: người tham gia chỉ cần lập Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin theo mẫu TK1-TS, nếu muốn hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh thì người tham gia BHYT cung cấp thêm sổ hộ khẩu photo công chứng cho đại lý thu của UBND xã, phường, thị trấn hoặc điểm Bưu điện văn hóa xã, phường, thị trấn và nhận lại thẻ BHYT sau 7 ngày làm việc.
* Phương thức đóng BHYT hộ gia đình rất linh hoạt: người tham gia có thể đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm đóng 1 lần.
BHYT là một hình thức tiết kiệm “Đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng hãy tích cực tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn./.

Tin liên quan