ĐAU MỎI CƠ XƯƠNG KHỚP HẬU COVID 19

Tình trạng đau nhức xương khớp sau khi khỏi Covid-19 đến viện khám ngày càng tăng. Trong đó, khoảng 15-30% người được phát hiện dương tính sau 2-14 ngày khởi phát bệnh. Sau khi điều trị khỏi bệnh, người bệnh vẫn còn các triệu chứng sưng đau nhức khớp, đau mỏi yếu cơ… được xem là mắc hội chứng Covid kéo dài (4 tuần sau khi khỏi bệnh) và hội chứng hậu Covid (12 tuần sau khi khỏi bệnh). Tỷ lệ người bị đau nhức xương khớp sau khi khỏi bệnh có thể lên đến 50%.

– Nguyên nhân: Một số giả thuyết được đưa ra. Đó có thể là bộ gene của nCoV được hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận dạng, làm kích hoạt phản ứng viêm toàn thân tấn công các hệ cơ quan khác cũng như ở các khớp. Nguyên nhân khác, có thể do mạch máu, tế bào ở các vùng cơ xương khớp bị tổn thương, để lại di chứng là đau nhức, yếu cơ, viêm khớp. Ngoài ra, cũng có thể khi mắc Covid thể nặng, người bệnh phải nằm một chỗ lâu ngày, hoặc dùng các thuốc điều trị ảnh hưởng đến hệ thống cơ. Tình trạng này dễ gặp với bệnh nhân phải thở máy khi điều trị Covid, hệ cơ xương khớp yếu đi sau khi khỏi bệnh.

Điều trị như thế nào?

– Chế độ luyện tập: Ban đầu nên đi dạo quanh nhà và nên đợi cho đến khi hết triệu chứng rồi mới thực hiện các bài tập thể dục, tránh tác động mạnh lên cơ thể, luyện tập tăng dần bằng các bài tập đi bộ kết hợp thêm các bài tập hít thở sâu

– Trước tiên là các biện pháp điều trị đau đơn giản, có thể áp dụng tại nhà như dùng thuốc giảm đau thông thường là paracetamol. Liều dùng 10-15 mg/kg, mỗi liều uống cách nhau 4-6 tiếng. Một số loại thuốc kháng viêm cơ bản như ibuprofen có thể sử dụng để điều trị đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, người có tiền sử đau dạ dày, bệnh tim mạch, đang dùng các thuốc đông máu, thuốc kháng kết tập tiểu cầu… phải đặc biệt thận trọng với ibuprofen.

Trường hợp cơn đau dai dẳng kéo dài trên hai tuần, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà đến bệnh viện khám để được chẩn đoán và lên phác đồ điều trị, bác sĩ khuyến cáo. Bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định một số xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu hình ảnh để xác định đợt bùng phát bệnh và có biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu bệnh nhân không có tiền căn của các bệnh cơ xương khớp, đau do hội chứng Covid kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định dùng nhiều biện pháp kết hợp để giúp giảm đau như thuốc kháng viêm, vật lý trị liệu.

Khoa YHCT-PHCN TTYT Yên Lạc với đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, phối hợp các phương pháp thủ thuật châm cứu, hồng ngoại, thủy châm, điện xung, kéo giãn cột sống, xoa bóp bấm huyệt giúp giải quyết các triệu chứng đau nhức cơ xương khớp cho người bệnh.

Tin liên quan