Chủ động phòng bệnh Đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường là một trong nhóm các bệnh chuyển hóa được đặc trưng bởi tăng đường máu mãn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của insulin hoặc cả hai trong cơ thể người bệnh.
Đái tháo đường là một căn bệnh mạn tính, phổ biến, dễ mắc phải và điều trị tốn kém. Nó ảnh hưởng đến hàng triệu người, ở mọi lứa tuổi và mọi trình độ văn hóa. Gánh nặng bệnh tật do đái tháo đường đang tăng lên trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển – nơi quá trình đô thị hóa đang làm thay đổi tập quán ăn uống, giảm hoạt động thể lực và tăng cân. Bệnh đái tháo đường nếu bị phát hiện muộn hoặc kiểm soát kém sẽ gây ra các biến chứng cấp và mạn tính. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh mạch máu như bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại vi…, giảm thị lực và mù lòa, tổn thương thận, gây loét bàn chân có thể dẫn đến tàn tật.
Khi bệnh đái tháo đường được phát hiện sớm để thực hiện việc điều trị, sẽ có nhiều khả năng tránh được nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Nếu nhận thấy mình có một hay nhiều hơn những dấu hiệu sau đây, hãy chủ động đến kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để được khám phát hiện đái tháo đường, càng sớm càng tốt.
– Rất khát nước và uống nước rất nhiều (còn gọi là háo nước);
– Đi tiểu tiện nhiều hơn bình thường;
– Rất đói và ăn nhiều một cách bất thường;
– Giảm cân nhiều trong một thời gian ngắn;
– Khó tập trung làm việc hay học tập, cơ thể mệt mỏi, dễ nổi cáu;
– Mắt nhìn mờ;
Bệnh đái tháo đường ngày nay không còn là căn bệnh nguy hiểm chết người như trước nữa mà nó thuộc loại bệnh có thể kiểm soát được. Khi bệnh nhân được kiểm tra và chữa trị thường xuyên bằng cách giảm thiểu nồng độ đường trong máu, thì bệnh không còn nguy hiểm. Nếu được chữa trị tốt và các bệnh nhân thay đổi chế độ ăn uống, lao động luyện tập phù hợp thì họ có cơ hội sống thọ như những người khỏe mạnh bình thường.
Để phòng bệnh đái tháo đường mọi người cần thực hiện tốt một số lời khuyên sau:
- Khống chế trọng lượng cơ thể, duy trì cân nặng hợp lý, không để bị béo phì :
- Không hút thuốc lá: vì hút thuốc lá làm tắc các mạch máu ở chân, hàm lượng cholesterol xấu tăng nhanh, kéo theo mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ cũng tăng.
- Nên ăn các loại thực phẩm ít chất béo và calo, ăn nhiều rau xanh, trái cây, nếu ăn thịt chỉ nên ăn thịt nạc, Ăn nhiều chất xơ.
- Nên ăn hạn chế và ăn có điều độ các chất đường, chất béo và cácbon-hydrat.
- Luyện tập thể dục, thể thao: Mỗi ngày nên luyện tập khoảng 30 phút. Hãy lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe. Khi có những hiểu biết về bệnh đái tháo đường, chúng ta có thể sống chung với bệnh một cách thân thiện và tốt đẹp.