Viêm loét dạ dày, tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị bệnh

Viêm loét dạ dày, tá tràng là một bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến trong xã hội. Vậy viêm loát dạ dày, tá tràng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh hiệu quả.

1. Viêm loét dạ dày, tá tràng là gì?

Viêm loét dạ dày, tá tràng là tình trạng tổn thương mất các lớp tế bào trên bề mặt dạ dày, tá tràng. Đường kính tổn thương ít nhất 5 mm và vết loét có thể ăn sâu xuống phía dưới đến sát hoặc xâm lấn tới lớp cơ ở thành dạ dày, tá tràng. Thực tế lâm sàng cho thấy đa số vết loét có đường kính từ 10 đến 25 mm. Đây là một bệnh mạn tính tiến triển có tính chất chu kỳ.

Viêm loét dạ dày, tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Viêm loét dạ dày, tá tràng là bệnh rất hay gặp trong đời sống xã hội. Tỷ lệ mắc bệnh tùy từng nghiên cứu là từ 5% đến 10% dân số. Loét hành tá tràng hay gặp hơn loét dạ dày. Nam nhiều hơn nữ, thành thị nhiều hơn nông thôn. Tuổi thường gặp là thanh niên và người trung tuổi.

2. Yếu tố gây bệnh

Niêm mạc dạ dày, tá tràng luôn có hai yếu tố: Yếu tố tấn công (axit dạ dày) và Yếu tố bảo vệ (chất nhầy niêm mạc dạ dày). Bình thường 2 yếu tố này cân bằng với nhau.

Sự phá vỡ cân bằng giữa 2 yếu tố xảy ra khi Yếu tố tấn công mạnh lên và Yếu tố bảo vệ không được tăng cường hoặc Yếu tố bảo vệ bị suy yếu nhưng Yếu tố tấn công không giảm tương ứng. Tất cả những nguyên nhân phá vỡ cân bằng này sẽ gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng.

Hiện nay người ta cho cho rằng viêm loét dạ dày, tá tràng là bệnh đa căn nguyên:

Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori)

Đây là một trong những tác nhân chính gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh viêm loét. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn sẽ chui vào trong lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, tá tràng và tiết ra các độc tố làm mất chức năng của niêm mạc chống lại axít. Có tới 50% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và 90% bệnh nhân bị viêm loét tá tràng có nhiễm HP.

Dùng các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

Các thuốc thuộc nhóm này làm giảm tiết Prostagladin dẫn đến làm giảm tiết chấy nhầy niêm mạc và tăng tiết a xít. Tùy theo liều lượng và thời gian dùng thuốc, chúng có thể gây tổn hại niêm mạc dạ dày, tá tràng ở những mức độ khác nhau.

Thường xuyên stress căng thẳng

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thường xuyên bị căng thẳng stress sẽ gia tăng tối đa nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày. Tình trạng căng thẳng sẽ gây tăng việc sản xuất axit dạ dày.

Thói quen ăn uống sinh hoạt

Ăn uống, sinh hoạt không điều độ: Ăn uống không đúng giờ, không đúng bữa, hay bỏ bữa nhất là bữa sáng, ăn quá khuya, thức khuya, lười vận động.

Ăn nhiều thực phẩm chua cay, thức ăn quá nóng, quá lạnh.

Lạm dụng rượu bia: Các chuyên gia tiêu hóa cho rằng việc uống rượu bia trong thời gian dài có thể gây kích thích ăn mòn lớp nhầy trong dạ dày, tá tràng khiến cho thành dạ dày, tá tràng xuất hiện vết loét.

Hút thuốc lá: Theo nghiên cứu tỷ lệ những người hút thuốc lá bị viêm loét dạ dày tá tràng cao gấp 2 lần những người bình thường. Hút thuốc làm niêm mạc tăng nhạy cảm, suy giảm những yếu tố bảo vệ. Chúng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn HP xâm nhập.

Yếu tố di truyền

Gen di truyền có vai tròn quan trọng trong bệnh sinh của loét dạ dày tá tràng. Nếu bố mẹ bị viêm loét dạ dày, tá tràng thì con cái có tỷ lệ bị loét cao hơn gấp 3 lần những người khác.

Một số yếu tố khác

Có bệnh mạn tính: Hội chứng Zollinger Ellison, xơ gan, viêm tụy, basedow, bệnh dạ dày do mật, bệnh dạ dày do tăng ure máu, hóa trị, tia xạ…

Niêm mạc dạ dày bị nhiễm virus: Herpes, cytomegalovirus…

Ảnh hưởng của thời tiết: độ ẩm, nhiệt độ, áp suất… Ở Việt Nam bệnh thường tái phát vào mùa lạnh.

Việc nắm bắt được các nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng sẽ phần nào giúp cho người bệnh có cái nhìn rõ nét về tình trạng của mình.

3. Triệu chứng lâm sàng viêm loét dạ dày, tá tràng

Đau vùng thượng vị (vùng trên rốn)

Loét hành tá tràng đau có tính chất chu kỳ. Bệnh nhân thường đau lúc đói, giảm đau sau ăn và đau trở lại sau ăn khoảng 2 đến 4 giờ hoặc đau vào lúc nửa đêm về sáng. Vị trí đau thường ở thượng vị lệch phải và lan ra sau lưng. Cảm giác đau cồn cào, nóng rát, âm ỉ. Một đợt đau kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Sau đó bệnh nhân không đau cho đến một đợt tái phát tiếp theo.

Loét dạ dày đau cũng có tính chất chy kỳ nhưng không rõ như đau trong loét hành tá tràng. Bệnh nhân thường đau lúc no sau ăn khoảng 15 – 30 phút và kéo dài đến khi thức ăn trong dạ dày được tiêu hóa hết hoặc nôn ra ngoài. Vị trí đau thường ở thượng vị lệch trái. Cảm giác đau cồn cào, nóng rát, âm ỉ.

Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua

Ợ nóng, ợ hơi hay gặp trong loét dạ dày. Ợ chua hay gặp trong loét hành tá tràng.

Buồn nôn và nôn

Bệnh nhân có thể có buồn nôn và và nôn

Rối loạn thần kinh thực vât

Biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật là chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, đau dọc khung đại tràng và táo bón.

4. Biến chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng nếu không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm:

Viêm loét dạ dày, tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Xuất huyết tiêu hóa là biến chứng hay gặp nhất, biểu hiện bằng nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

Thủng ổ loét gây viêm phúc mạc: bệnh nhân đau bụng nhiều, sốt cao.

Ung thư hóa: hay hặp do loét ở bờ cong nhỏ, hang vị, môn vị.

Hẹp môn vị: bệnh nhân nôn nhiều, không tiêu hóa được thức ăn do bị chặn lại ở môn vị.

5. Điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng

5.1 Điều trị bằng thay đổi lối sống

Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cần phải thay đổi lối sống để hạn chế tối đa các yếu tố gây bệnh và làm bệnh trầm trọng hơn

Rèn luyện thói quen ăn uống đúng giờ, đúng bữa. Không bỏ bữa, không ăn quá khuya. Nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, mỗi bữa ăn ít một, không ăn quá no. Hạn chế ăn những thức ăn chua, cay, quá nóng hoặc quá lạnh.

Ngừng uống rượu bia, bỏ thuốc lá.

Nghỉ ngơi thư giãn, tìm cách loại bỏ hoặc cố gắng vượt qua những stress, căng thẳng trong cuộc sống.

Bệnh nhân đang dùng các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) cần phải cân nhắc giảm liều hoặc dừng hẳn.

5.2 Điều trị bằng thuốc làm giảm yếu tố tấn công

Thuốc trung hòa a xít dạ dày

Nhôm hydroxit ( Aluminum hydroxide – Al(OH)3 ): Alternagel, Amphojel, Alu-tab.

Nhôm photphat ( Aluminum phosphate ): Gasterin gel, Phosphalugel, Stafos.

Magie hydroxit ( Magie hydroxide – Mg(OH)2 ).

Thuốc phối hợp Nhôm hydroxit và Magie hydroxit: Maalox, Gamaxcin, Varogel, Gelusil, Mylanta…

Thuốc làm giảm tiết a xít dạ dày

Thuốc ức chế thụ thể histamin H2:

Các chất này sẽ ức chế hoạt tính của histamin ở thụ thể H2 làm dạ dày giảm tiết a xít.

Nhóm thuốc này có 4 thế hệ:

– Thế hệ 1: Cimetidin 800 – 1200 mg/ngày.

– Thế hệ 2: Ranitidin 150 – 300 mg/ngày.

– Thế hệ 3: Famotidin 20 – 40 mg/ngày

– Thế hệ 4: Nizatidin 150 – 300 mg/ngày.

Thuốc ức chế bơm proton:

Thuốc này ức chế các men (ở bơm proton) tham gia vào quá trình sản xuất a xít bề mặt các tế bào thành dạ dày. Đây là thuốc làm giảm tiết a xít dạ dày mạnh nhất hiện nay.

Một số loại thuốc thuộc nhóm này:

– Omeprazole 20 – 40 mg/ngày.

– Lansoprazole 15 – 30 mg/ngày.

– Pantoprazole 20 – 40 mg/ngày.

– Rabeprazole 10 – 20 mg/ngày.

– Esomeprazole 20 – 40 mg/ngày.

– Dexlansoprazole.

– Tenatoprazole.

Nên dùng thuốc trước bữa ăn. Thời gian dùng các thuốc này là từ 6 – 12 tuần tùy từng trường hợp.

Thuốc ức chế thụ thể choline:

Cũng giống như thụ thể histamin H2, thụ thể cholin cũng tham gia vào quá trình sản xuất a xít dạ dày. Ức chế thụ thể này cũng làm giảm sản xuất a xít.

Một số loại thuốc:

– Banthine 20 – 30mg x 3 lần/ngày.

– Probanthine 20 – 30mg x 3 lần/ngày.

– Pirenzepine 20 – 30mg x 3 lần/ngày.

5.3 Điều trị bằng thuốc làm tăng yếu tố bảo vệ

Sucralfate

Chất này giống như hồ dính, nhầy, đặc gắn kết với bề mặt ổ loét. Chúng bảo vệ ổ loét không bị a xít và các dịch tiêu hóa khác tấn công. Thời gian thuốc gắn kết ổ loét khoảng 6h.

Liều dùng tấn công của thuốc: 1g x 4 lần/ngày bụng lúc đói, liều duy trì 1g x 2 lần/ngày.

Misoprostol

Chất này có tác dụng tương tự Protagladin làm ức chế việc tiết a xít dạ dày và tăng cường tiết nhầy. Vì vậy nó rất tốt trong việc điều trị viêm loét do bị giảm Protagladin (hay gặp là do dùng thuốc chống viêm không steroid – NSAIDs).

Liều dùng 100 – 200 microgam x 4 lần/ngày, dùng cùng lúc ăn. Thuốc này chống chỉ định với phụ nữ có thai và có tác dụng phụ hay gây đau bụng, tiêu chảy.

Bismuth

Bismuth sau khi vào dạ dày, tá tràng sẽ hình thành một lớp che phủ vết loét ngăn cản tác động của a xít và dịch tiêu hóa. Đồng thời chúng còn làm tăng tiết chất nhầy, tăng sản xuất và hoạt động của Protagladin. Ngoài ra bismuth còn có cả tác dụng tiêu diệt vi khuẩn HP, làm tăng hiệu quả kháng sinh.

Liều dùng 480 mg/ngày, dùng liên tục trong 28 ngày.

5.4 Điều trị bằng thuốc kháng sinh

Vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày, tá tràng. Có tới 50% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và 90% bệnh nhân bị viêm loét tá tràng có nhiễm HP . Việc sử dụng kháng sinh để tiêu diệt loại vi khuẩn này là cần thiết.

Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chỉ định cho dùng kháng sinh khi làm Test HP có kết quả dương tính (+). Tức là người này có nhiễm vi khuẩn HP.

Các loại thuốc kháng sinh hay dùng:

Amoxicillin 1 – 2g/ngày

Metronidazole (hoặc Tinidazole) 1g/ngày

Clarithromixin 500mg – 1g/ngày

Phối hợp các kháng sinh để tăng hiệu quả.

Amoxicillin + Metronidazole (hoặc Tinidazole)

Amoxicillin + Clarithromixin

Metronidazole (hoặc Tinidazole) + Clarithromixin

Thời gian dùng kháng sinh phải từ 7 đến 14 ngày.

5.5 Điều trị bằng thuốc phối hợp khác

Thuốc làm giảm co thắt, giảm đau

Nhóm thuốc này hiện nay ít dùng.

– Thuốc giảm co thắt, giảm đau gây chế thần kinh trung ương: Diazepam, Sulpirit.

– Thuốc giảm co thắt, giảm đau gây ức chế dẫn truyền: Atropin sulphat, Papaverin, Buscopan.

Các vitamin

Vitamin B1, B6 làm giảm co thắt môn vị.

Vitamin A tăng cường bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Vitamin C, U tăng cường liền sẹo ổ loét.

5.6 Một số phác đồ hay được sử dụng

Để điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng trong thực tế lâm sàng, ta thường sử dụng 2 loại phác đồ.

Phác đồ 3 loại thuốc:

– Thuốc ức chế thụ thể histamin H2 + 2 Kháng sinh.

– Thuốc ức chế bơm proton + 2 Kháng sinh.

Phác đồ 4 loại thuốc:

– Thuốc ức chế thụ thể histamin H2 + 2 Kháng sinh + Bismuth.

– Thuốc ức chế bơm proton + 2 Kháng sinh + Bismuth.

Khi điều trị theo các phác đồ trên phải dùng thuốc lâu dài đủ thời gian. Kiên trì theo nguyên tắc: đủ thuốc, đủ liều, đúng thời điểm dùng.

Nên nội soi lại dạ dày, tá tràng theo định kỳ để theo dõi tiến triển của ổ loét và đề phòng nguy cơ ung thư hóa.

5.7 Điều trị ngoại khoa

Ngày nay vấn đề điều trị ngoại khoa trong loét dạ dày, tá tràng ngày một ít đi do hiệu quả của việc điều trị nội khoa dùng thuốc ngày càng cao.

Bệnh nhân sẽ được mổ trong các trường hợp:

– Xuất huyết tiêu hóa do loét mà điều trị nội khoa không hiệu quả.

– Thủng ổ loét.

– Ung thư hóa.

– Hẹp môn vị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan