U bao hoạt dịch là gì? Điều trị u bao hoạt dịch

U bao hoạt dịch thường xuất hiện ở các vị trí khớp trên cơ thể, tạo tâm lý lo lắng cho người bệnh. Vậy u bao hoạt dịch là gì? Cách điều trị hiệu quả như thế nào?

1. U bao hoạt dịch là gì?

Hiểu một cách đơn giản, U bao hoạt dịch là hiện tượng thoát dịch ở khớp vào các chẽ gân vùng khớp tương ứng. Những vị trí thường gặp loại u này nhất là khớp cổ tay, khoeo chân, cổ chẩn, khớp khuỷu, khớp bàn ngón và khớp liên đốt ngón tay…vv

U bao hoạt dịch là gì? Điều trị u bao hoạt dịch

2. U bao hoạt dịch có nguy hiểm không?

Thường khi nhắc đến khối u tâm lý bệnh nhân rất lo lắng đến tính chất lành tính hay ác tính. U hoạt dịch tuy khá phổ biến; nhưng may mắn nó nằm trong số những khối u nang lành tính.

3. Nguyên nhân mắc U bao hoạt dịch

U nang bao hoạt dịch chủ yếu là do khớp chịu sự chấn thương hay thương tổn lặp đi lặp lại nhiều lần khi luyện tập thể chất (không khởi động); hoặc do tính chất công việc phải cử động khớp nhiều làm bao khớp lỏng lẻo; hoặc có thể do bao hoạt dịch bị kích thích gây tăng tiết dịch, dịch khớp thoát ra gây hiện tượng thoát vị mà biểu hiện lâm sàng là khối u.

4. Đối tượng hay mắc bệnh

U bao hoạt dịch rất phổ biến; mắc phải nhiều ở nữ giới hơn so với nam và có thể tác động đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Các yếu tố nguy cơ hay mắc bệnh:

– Người trưởng thành trên 40 tuổi

– Viêm khớp gối

– Các chấn thương khớp: Rách sụn khớp …

– Thường xuyên phải vận động mạnh, chơi thể thao kéo dài, không khởi động…vv

5. Triệu chứng và chẩn đoán U bao hoạt dịch

Tùy theo kích thước khối dịch mỏng hay dày mà có những triệu chứng khác nhau; đôi khi khối dịch khá mỏng bệnh nhân có thể không cảm nhận được triệu chứng của bệnh. Đối với khối dịch lớn một số những triệu chứng được ghi nhận như:

– Khối dịch lồi lên bề mặt da tạo thành khối u rõ rệt, tròn nhẵn

– Có thể sờ nắn được, ít di động, có thể nhỏ đi hay to ra tùy thuộc vào vận động khớp

– Có cảm giác đau hoặc tê bì lan tỏa quanh khối u

– Bị hạn chế vận động: Khó gập duỗi chân, tay, ngồi xổm…

U bao hoạt dịch là gì? Điều trị u bao hoạt dịch
U bao hoạt dịch

6. Các phương pháp điều trị U bao hoạt dịch

Hiện nay có một số phương pháp được áp dụng để điều trị U bao hoạt dịch:

6.1 Băng ép

Thường áp dụng cho khối dịch mỏng, nhỏ chưa có tác động đến bệnh nhân. Có thể dùng băng chun, băng keo thể thao…vv. Băng ép giúp cố định lại khớp có khối u, giảm đi khả năng phát triển của u.

6.2 Hút dịch khớp thừa

Nếu khối nang hoạt dịch to lên, lộ rõ trên nền da; u gây đau, tê, chèn ép thì cần được can thiệp. Chọc hút dịch trong nang là biện pháp nhằm làm giảm đi các triệu chứng. Tuy nhiên tỷ lệ tái phát cao.

6.3 Phẫu thuật – Mổ cắt u bao hoạt dịch

U bao hoạt dịch là gì? Điều trị u bao hoạt dịch

Phẫu thuật mổ cắt u là phương pháp phổ biến và mang lại hiệu quả cao nhất; giúp loại bỏ được hoàn toàn khối u. Sau phẫu thuật bệnh nhân giảm ngay các phiền toái do u gây ra; hạn chế khả năng tái phát và không gây ảnh hưởng tới chức năng của khớp.

7. Khi nào cần mổ cắt U bao hoạt dịch

Bất cứ khi nào bệnh nhân cảm thấy đau nhức, tê mỏi do u chèn ép lên các dây thần kinh và tổ chức xung quanh, cản trở vận động, sinh hoạt hàng ngày, hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ trên cơ thể thì nên phẫu thuật mổ cắt U bao hoạt dịch.

Phẫu thuật khi u còn nhỏ thì khả năng để lại sẹo càng ít; phục hồi sau mổ nhanh. Nếu trì hoãn lâu ngày, U phát triển lớn hơn không những ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày mà khi phẫu thuật cũng gặp khó khăn hơn nhiều.

8. Tìm hiểu về mổ U bao hoạt dịch

8.1 Phẫu thuật – Mổ u nang bao hoạt dịch diễn ra như thế nào?

Bác sĩ thường sử dụng phương pháp gây tê tại chỗ hoặc tê vùng. Bệnh nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo khi mổ.

Thời gian phẫu thuật trong khoảng thời gian 30 đến 45 phút.

Đa số các phẫu thuật u nang bao hoạt dịch được thực hiện với đường mổ mở.

Quan trọng trong phẫu thuật U nang bao hoạt dịch là phải khâu được bao khớp; đảm bảo đóng kín lỗ thông thương vào khớp. Sau đó đóng vết thương, khâu lại phần mềm và cố định vết mổ.

Tuỳ vào vị trí mổ mà bệnh nhân có thể xuất viện ngay sau mổ hay tiếp nhận thêm điều trị.

8.2 Những lưu ý sau mổ

Sử dụng thuốc đúng đủ theo chỉ định của bác sĩ để đề phòng nhiễm khuẩn.

Cố định đủ thời gian, tránh vận động quá sớm tác động lên khớp. Vết khâu cần cố định đủ lâu để tăng cường tổ chức xơ bao quanh khớp tránh thoát vị trở lại.

Hạn chế làm việc nặng

Vận động thể chất lên khớp vừa phải

8.3 Chi phí mổ u bao hoạt dịch là bao nhiêu?

Tùy theo độ khó, kích thước khối u mà các cơ sở có mức chi phí khác nhau phù hợp cho từng bệnh nhân.

Thông thường chi phí ca mổ u bao hoạt dịch khoảng 1 – 3 triệu đồng; chưa bao gồm các chi phí phát sinh như: Xét nghiệm trước mổ, thuốc, tiền giường bệnh (nếu có chỉ định theo dõi sau phẫu thuật), làm giải phẫu bệnh khối u…

Tuy vậy bạn vẫn cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám trực tiếp; từ đó có thể đưa ra kết luận điều trị và chi phí hợp lý.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

Tin liên quan